Thứ ba 05/11/2024 07:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự / Chỉ đạo điều hành

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Xây dựng sửa đổi

14:50 | 27/11/2019

(Xây dựng) – Sáng 27/11, giải trình ý kiến các đại biểu về dự án Luật Xây dựng sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ điều chỉnh, bổ sung dự án Luật trên cơ sở tiếp thu các ý kiến các đại biểu; đồng thời đề xuất với Chính phủ và Quốc hội bổ sung một số nội dung tại các luật liên quan.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Xây dựng sửa đổi
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Xây dựng sửa đổi (Ảnh: Quốc hội).

Trong phiên làm việc sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thảo luận lần đầu tại hội trường, dự án Luật Xây dựng sửa đổi nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu. Qua nội dung thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, tuy nhiên theo các đại biểu, nhiều nội dung trong dự thảo dự án Luật cần thiết phải được chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp.

Cảm ơn các đại biểu đã quan tâm, góp ý cho việc hoàn thiện dự án Luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và dự kiến chỉnh lý dự án Luật theo các hướng:

Thứ nhất, hiện nay trong hệ thống pháp luật hiện hành, các hoạt động xây dựng được điều chỉnh tại nhiều luật và một số công cụ quản lý khác chứ không chỉ bởi Luật Xây dựng. Chính phủ đã ban hành kế hoạch toàn diện để thực hiện việc hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng tại kỳ họp thứ 7; trong đó xác định rõ các giải pháp để thực hiện việc hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng. Vì vậy, Ban soạn thảo dự kiến tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để điều chỉnh, bổ sung, chỉnh lý luật này; đồng thời, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại các luật liên quan.

Thứ hai, một số nội dung có tính kỹ thuật hoặc cần được xử lý linh hoạt theo diễn biến nhanh của thực tiễn thì sẽ được quy định ở các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật trên tinh thần hạn chế tối đa các nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết ở trong Luật này.

Thứ ba, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; định mức, đơn giá kinh tế - kỹ thuật; số hoá ngành Xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trả lời các đại biểu về sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Luật Xây dựng liên quan đến 18 Luật hiện hành và 3 dự án Luật đang được trình Quốc hội gồm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai. Vì vậy, việc đảm bảo tính đồng bộ đã được Ban soạn thảo quan tâm, rà soát, đánh giá kỹ và đã có văn bản trao đổi với các Bộ liên quan và các Bộ đang được chủ trì các dự án Luật đang trình Quốc hội để xác định rõ nội dung nào cần được chỉnh sửa ở Luật Xây dựng, nội dung nào cần được chỉnh sửa ở các luật liên quan...

Nội dung liên quan một số ý kiến đại biểu về đề nghị rà soát kỹ các nguyên tắc cơ bản để định hướng cho hoạt động đầu tư xây dựng, phù hợp với thực tiễn để tránh vi phạm; bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, di sản văn hoá; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại..., Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Về nguyên tắc trong hoạt động xây dựng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định các nguyên tắc cơ bản rõ ràng và có tính khả thi. Những vấn đề các đại biểu nêu ra đã được quy định trong các luật liên quan như Luật Khoa học công nghệ, Luật Phòng chống thiên tai… thì không nhắc lại ở Luật này. Chỉ quy định về nguyên tắc ở nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 4, Luật Xây dựng là bảo đảm đầu tư xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đầu tư xây dựng; phát triển khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh, công trình xanh, công trình và sản phẩm xây dựng tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng theo lộ trình do Chính phủ quy định...

Về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Luật Xây dựng 2014 đã quy định trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan Nhà nước như Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ...

Qua tổng kết đánh giá, việc thi hành Luật Xây dựng 2014, dự thảo Luật đã phân tách rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm tra trong thẩm định dự án, thẩm định thiết kế; đã tăng cường phân cấp cho các địa phương qua việc tích hợp thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng, phân cấp cho địa phương cấp phép công trình đặc biệt để gắn việc cấp phép xây dựng với quản lý trật tự xây dựng tại địa phương...

Giải trình ý kiến các đại biểu về việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn công trình thì nội dung, quy trình, trách nhiệm thẩm định các cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của chủ đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể khác được quy định chặt chẽ, đủ rõ và phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và yêu cầu quản lý chất lượng đối với công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư công trong các dự án PPP và các công trình sử dụng nguồn vốn khác.

Đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hơn và phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nội dung, quy trình thẩm định đối với công trình sử dụng nguồn vốn khác nhau, trong đó kiểm soát toàn diện, chặt chẽ đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công và kiểm soát hợp lý đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác.

Đồng thời cũng quy định rõ, nội dung trách nhiệm trong công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư...

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc thực hiện đơn giản hoá, cải cách thủ tục hành chính cũng đã được thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở với việc cấp phép xây dựng, giảm thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng từ 70 ngày xuống 20 ngày đối với công trình cấp I; từ 60 ngày xuống 20 ngày đối với công trình cấp II, III. Việc cấp phép xây dựng tất cả cáp công trình đã được phân cấp cho địa phương.

Ban soạn thảo cũng đã rà soát không đảm bảo sự chống chéo giữa các luật liên quan trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng.

Về quản lý trật tự xây dựng, một số ý kiến đại biểu yêu cầu làm rõ việc sửa đổi có đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục tồn tại về quản lý trật tự xây dựng hiện nay như không tuân thủ quy hoạch, giấy phép xây dựng...

Trả lời vấn đề này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, các vấn đề bức xúc, tồn tại, khó khăn vướng mắc trong hoạt động xây dựng thực tế hiện nay được các đại biểu nêu ra là xác đáng, song cần được giải quyết bằng việc hoàn thiện thể chế đi đôi với việc thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp. Việc quản lý trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự bên cạnh pháp luật còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Sau khi có tổng kết, đánh giá về việc này thì sẽ có kiến nghị với Quốc hội về điều chỉnh pháp luật có liên quan để mở rộng trong toàn quốc. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 không còn việc phạt cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.

“Báo cáo với các đại biểu Quốc hội, từ ngày 01/01/2018 không còn có việc phạt cho tồn tại nữa. Tất nhiên để thực hiện được việc này thì chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện thì mới đảm bảo được việc này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Minh Châu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load