(Xây dựng) - Sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường về dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ giải trình ý kiến các Đại biểu về dự án Luật.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quốc hội). |
Theo tờ trình, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Xây dựng sửa đổi được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: Nhóm chính sách 1: “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 2: “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng” và Nhóm chính sách 3: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan”.
Về nội dung dự thảo luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 Điều và thay thế thuật ngữ tại 14 Điều của Luật hiện hành.
Điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.
Trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (ngày 18/11), các Đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn.
Một số ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã căn bản khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.
Những sửa đổi đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức… sửa đổi Luật theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường phân cấp, pháp quyền hợp lý.
Đã phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp công tác thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng...
Minh Châu
Theo