(Xây dựng) - Ngày 27/12, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024
Năm 2024 đánh dấu một năm quan trọng đối với ngành Xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế xây dựng, với những bước tiến vượt bậc trong thực hiện các Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cục Kinh tế xây dựng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng yếu, đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình.
Cục Kinh tế xây dựng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai các dự án xây dựng. Cụ thể, Cục đã thẩm định và trình Bộ ký ban hành các văn bản quan trọng, bao gồm: Thông tư số 09/2024/TT-BXD ngày 30/8/2024, sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD, với 250 nội dung điều chỉnh, đặc biệt là đối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia; Thông tư số 02/2024/TT-BXD ngày 20/5/2024, hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết rút gọn; Thông tư số 12/2024/TT-BXD ngày 18/12/2024, hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị như chiếu sáng và cây xanh đô thị, thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD. Bên cạnh đó, Cục cũng tham gia tích cực vào việc sửa đổi các nghị định, thông tư và báo cáo các đề xuất liên quan đến các dự án, luật, và nghị quyết về đầu tư xây dựng và quản lý chi phí, nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho ngành Xây dựng.
Đối với các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức và giá xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong lĩnh vực này. Cục đã thường xuyên theo dõi tình hình công bố bộ đơn giá xây dựng và biến động giá vật liệu xây dựng, giá nhân công, máy thi công và chỉ số giá xây dựng tại các địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương đã công bố bộ đơn giá xây dựng trên cơ sở hệ thống định mức xây dựng của Bộ Xây dựng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD, tuy nhiên vẫn còn 12 địa phương chưa cập nhật theo định mức mới.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là nghiên cứu quy hoạch và sắp xếp lại toàn bộ hệ thống định mức xây dựng, gắn mã hiệu mới để đảm bảo tính hệ thống và thống nhất trong quản lý. Cục Kinh tế xây dựng đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá thực trạng, đồng thời đề xuất đưa vào chương trình công tác năm 2024. Nhiệm vụ này hiện đang được Viện Kinh tế xây dựng thực hiện.
Trong năm 2024, Cục đã tiếp nhận và thẩm định 99 hồ sơ dự án, trong đó có 48 hồ sơ thẩm định tổng mức đầu tư và 51 hồ sơ thẩm định dự toán xây dựng công trình. Đã có 75 thông báo kết quả thẩm định được ban hành, trong khi 11 dự án khác vẫn đang được thẩm định đúng tiến độ. Cục cũng đã hoàn thành thẩm định 99 hồ sơ trong số 107 hồ sơ chủ trương đầu tư được tiếp nhận, còn lại 5 dự án đang trong quá trình thẩm định.
Trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, Cục đã triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 theo Quyết định số 18/QĐ-KTXD, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100% khi số hóa 165 hồ sơ và đăng tải lên Cổng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.
Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Đàm Đức Biên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng. |
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Cục vẫn gặp phải một số tồn tại và hạn chế. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ và đoàn kết trong Cục chưa hiệu quả, khi một cán bộ công chức thường xuyên gửi phản ánh thiếu chính xác, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Nguyên nhân chính của các hạn chế này là khối lượng công việc lớn, đặc biệt là những nhiệm vụ đột xuất từ Chính phủ, nhưng nguồn lực con người của Cục còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác thẩm định bị chậm trễ do hồ sơ thiếu chất lượng và sự phối hợp giữa các bên chưa kịp thời. Cục đang nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục các vấn đề này và nâng cao hiệu quả công tác trong năm 2025.
Tập trung vào cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả công tác trong năm 2025
Bước vào năm 2025, Cục Kinh tế xây dựng sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác. Cụ thể, Cục sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hiệu quả Luật Giá (số 16/2023/QH15) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (số 47/2024/QH15). Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành các định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, Cục sẽ điều chỉnh và bổ sung các quy định về hợp đồng xây dựng để giải quyết các vướng mắc thực tiễn trong triển khai.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ rà soát và tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng, bảo trì công trình và dịch vụ công ích đô thị. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý định mức xây dựng, đồng thời xử lý các vấn đề chồng chéo trong các quy định về bảo trì công trình và bảo dưỡng các sản phẩm dịch vụ công.
Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2025 là theo dõi sát sao tình hình biến động giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công và ca máy thi công do các Sở Xây dựng công bố. Thông qua đó, Cục sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án giao thông trọng điểm.
Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phí khai thác vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù, đặc biệt là trong các dự án đường cao tốc. Cục cũng sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các định mức xây dựng, suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp phục vụ công tác quản lý chi phí cho các dự án lớn của ngành giao thông. Hơn nữa, Cục sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu định mức và giá xây dựng, từ đó đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý giá cả và chi phí đầu tư xây dựng trên toàn quốc. Thêm vào đó, Cục sẽ hỗ trợ Bộ Y tế trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, cùng các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Để thúc đẩy việc thực thi pháp luật, Cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chủ đầu tư thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, nhà ở, thị trường bất động sản và dịch vụ công ích đô thị.
Cải cách hành chính và chuyển đổi số tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2025. Cục sẽ triển khai các nhiệm vụ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát các hoạt động xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu và chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Cục Kinh tế xây dựng trong năm qua. Cục đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, làm việc chặt chẽ và có cái nhìn toàn diện về lĩnh vực kinh tế, đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng đổi mới. Cục đã bám sát thị trường, tổng hợp và đánh giá các loại thị trường; chủ động trong rà soát hệ thống đường sắt đô thị, đường cao tốc, các dự án đầu tư công; thực hiện chặt chẽ quy trình về định mức, quy trình về thẩm định dự án đầu tư, quy trình suất đầu tư - chỉ số giá.
Trong bối cảnh các dự án giao thông mở rộng về quy mô, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc chuẩn bị nhân lực và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan. Dự báo, số lượng nhân sự tham gia các dự án sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Thứ trưởng yêu cầu các dự án lớn như đường sắt và cao tốc phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, đặc biệt là các công trình khởi công vào năm 2027. Cục cũng cần lưu ý việc lựa chọn nhà thầu và hình thức triển khai dự án phải được thực hiện cẩn trọng, đồng thời khuyến khích tự động hóa quy trình để nâng cao hiệu quả công việc. Mục tiêu là đảm bảo các dự án trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chuẩn bị kỹ lưỡng từ tất cả các bên liên quan.
Thay mặt Cục Kinh tế xây dựng, Cục trưởng Đàm Đức Biên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ trong năm mới, đảm bảo tiến độ và chất lượng đúng với kế hoạch đề ra.
Diệu Linh
Theo