Thứ tư 11/12/2024 06:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính gỡ khó cho cơ quan báo chí

14:17 | 28/11/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính gỡ khó cho cơ quan báo chí
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 24/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Thứ 2 là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Thứ 3 là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá; Thứ 4 là nhóm ý kiến về chính sách thuế; Thứ 5 là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.

Bổ sung quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Với nhóm ý kiến thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định 60 có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, điểm a khoản 2, điều 5 quy định đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Tuy nhiên, điểm b khoản 2, điều 9 của Nghị định đã quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 2 (tự chủ kinh phí chi thường xuyên) cung cấp dịch vụ công thông qua đấu giá với giá chưa tính đủ chi phí khấu hao. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông quy định này khó áp dụng trong thực tế khi lập dự toán về kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

Bên cạnh đó, khoản 3, điều 9 quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 3 (tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên) được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo chưa tính đủ chi phí, nhưng chưa quy định khoản chi phí nào chưa được tính vào giá để có căn cứ thực hiện, nhất là chưa khả thi khi thực hiện theo phương thức đấu thầu.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công. Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, đề nghị làm rõ đơn vị Nhóm 4 (có nguồn thu sự nghiệp dưới 10%) có được đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công không để thống nhất thực hiện.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị bổ sung quy định phân loại rõ nguồn tài chính đơn bị được tự chủ và điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính tực hiện cải cách tiền lương. Bộ cũng đề nghị bổ sung vào Nghị định 60/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn về nguyên tắc phân bổ, hạch toán chi phí cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí có nhiều hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thống nhất áp dụng; bổ sung hướng dẫn chi tiết việc xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện trong hoạt động liên doanh, liên kết để các đơn vị sự nghiệp thực hiện (trong đó có cơ quan báo chí).

Bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm

Về nhóm ý kiến thứ 2, Bộ Thông đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi định tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 60 và Nghị định 32, giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi phí tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp… do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

Trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên (Nhóm 1), đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (Nhóm 2) nếu tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo quy định trên không phù hợp với thực tế của đơn vị.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 60 cho phép việc xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị Nhóm 1 và Nhóm 2.

Cụ thể, đối với các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đơn giá tiền lương theo thực tế 3 năm liền kề của đơn vị khi lập phương án giá dịch vụ.

Đối với các đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ được tính theo chi phí tiền lương bình quân theo thực tế 3 năm liền kề.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, việc sửa đổi trên cũng đảm bảo sự thống nhất về tính chi phí tiền lương trong đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công giữa đơn vị đã có định mức kinh tế - kỹ thuật với đơn vị chưa có định mức - kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 điều 5 của Nghị định 60 phù hợp với việc thực hiện cơ chế tiền lương như doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập Nhóm 1, Nhóm 2.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước do cơ quan chủ quản đặt hàng; đề nghị xem xét hướng dẫn về điều kiện đặt hàng; sửa đổi, bổ sung trình tự thủ tục đặt hàng dịch vụ công và về phương thức quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.

Bố trí kinh phí cho cơ quan chủ quản đặt hàng báo chí

Nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành luật giá, trong đó không quy định bộ quản lý ngành, lĩnh vực trách nhiệm thẩm định phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Trung ương lĩnh vực thông tin truyền thông…

Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế quản lý giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan, đơn vị khác không phải là cơ quan chủ quản.

Nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay các cơ quan báo chí in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.

Cuối cùng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản báo chí để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu; bố trí kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định hiện hành.

Theo Minh Sơn (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Quảng Bình: Quy hoạch, xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới đồng bộ và bền vững

    (Xây dựng) - Mục tiêu của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình là thực hiện hoàn thiện quy hoạch, xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư. Xây dựng và phát triển khu công nghiệp đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật; tổ chức không gian đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế về công nghiệp, vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình.

  • HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025

    (Xây dựng) - Bước vào ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã xem xét, đánh giá và quyết định thông qua nhiều Nghị quyết liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2025.

  • Năm 2025 Vũng Tàu sẽ “cán đích”

    (Xây dựng) - Tại Hội nghị tổng kết kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), diễn ra vào ngày 10/12, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Với mục tiêu đột phá và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu đã đề ra 11 nhiệm vụ chủ chốt để hướng đến sự phát triển bền vững.

  • Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 12%

    (Xây dựng) – Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt tối thiểu 12%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 57.330 tỷ đồng.

  • Vĩnh Phúc: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 30.468 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 96% so với dự toán

    (Xây dựng) – Ngày 10/12, dưới sự chủ tọa của các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến và Phạm Quang Nguyên, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 19 nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

  • Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới vào Dung Quất

    (Xây dựng) – Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất ở Quảng Ngãi đã nộp ngân sách về Trung ương khoảng 175 nghìn tỉ đồng, được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, chiếm 80-90% tổng nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hiện là “nhà” của nhiều nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực, như: Lọc hoá dầu, Thép, Giấy và công nghiệp nặng. Dung Quất hiện đang trở mình thu hút thêm các nhà đầu tư mới về làm ăn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load