Thứ năm 21/11/2024 19:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bình Giang (Hải Dương): Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 thi công kiểu “lạ”

09:44 | 20/01/2024

(Xây dựng) - Là công trình trọng điểm của huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nhưng trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công lại có cách thi công “lạ” khiến người dân lo lắng về chất lượng.

Bình Giang (Hải Dương): Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 thi công kiểu “lạ”
Đơn vị thi công không thu dọn cây cối, không bơm hút nước khi thi công mặt bằng.

Thi công kiểu "lạ”

Thời gian vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của người dân về Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 (đoạn từ Km16+750 - Km23+920) và đường dẫn cầu Cậy đến Đường tỉnh 394 thuộc huyện Bình Giang (Hải Dương) đi qua các xã: Vĩnh Hưng, Vĩnh Hồng, Tân Việt, Hùng Thắng và Long Xuyên của huyện Bình Giang có biện pháp thi công "lạ”. Biện pháp thi công này khiến người dân lo lắng liệu công trình có bảo đảm chất lượng hay không.

Một người dân sống tại xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết: “Gần 2 tháng nay, kể từ khi đơn vị thi công tiến hành nạo vét bùn đất lòng sông, rồi đổ đất, cát san lấp mặt bằng dự án đã khiến cuộc sống của người dân của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Xe tải trung chuyển bùn thải, vật liệu ra vào công trường nườm nượp suốt ngày, che chắn sơ sài khiến bùn đất rơi vãi ra đường. Những ngày vừa qua, mưa nhiều khiến mặt đường lầy lội, trơn trượt gây ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia giao thông và người dân sống quanh khu vực”.

Còn anh P.T.T - sống gần đền bà Chúa Me, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) thắc mắc: “Tôi chưa thấy có công trình đường giao thông nào thi công kiểu “lạ” như dự án này. Tôi không thấy đơn vị thi công tiến hành thu dọn cây cối, nạo vét lớp bùn đất, hút nước dưới lòng sông mà đã cho đổ đất, cát chèn lên để tạo mặt bằng. Không biết mai kia họ có múc lên để kè bờ hay không, chứ cứ để như vậy mà làm thì chất lượng công trình làm sao mà bảo đảm được”.

Từ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có nhiều ngày khảo sát thực tế quá trình thi công tại dự án này. Ghi nhận thực tế cho thấy, trên công trường thi công dự án đoạn qua địa bàn xã Tân Việt, huyện Bình Giang được đơn vị thi công đã rào chắn, đặt biển cảnh báo cẩn thận. Tuy nhiên, tại khu cánh đồng thôn Lý Đỏ, xã Tân Việt giáp Đường tỉnh 395 hiện đang được sử dụng làm nơi chứa vật liệu thải trong quá trình thi công, các xe tải ra vào nườm nượp nhưng che chắn rất sơ sài. Bùn đất từ bánh xe vương vãi ra đường khiến mặt đường bụi mù mịt khi trời nắng, lầy lội mỗi khi mưa xuống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại điểm thi công thuôc địa phận xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, ghi nhận của phóng viên cho thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở. Đơn vị thi công không hề bơm hút nước dưới lòng sông, không thu dọn cây cối bị chặt hạ đổ ngổn ngang dưới sông mà đã tiến hành đổ đất xuống chèn lên để tạo mặt bằng. Tại một số điểm thi công qua địa phận xã này cũng không được rào chắn cẩn thận, không có biển cảnh báo an toàn.

Tại điểm thi công thuộc địa phận xã Vĩnh Hưng, nhận thấy trong quá trình vận chuyển đất bùn thải có nhiều điểm bất thường nên phóng viên đã liên tục bám theo các xe Howo gắn logo BOM mang biển kiểm soát 34H: 021.72; 34H: 021.60; 34H: 022.13; 34H: 022.44; 34H: 022.96… Những xe này chở bùn thải băng qua khu dân cư tới cầu vượt Quán Gỏi ra Quốc lộ 5 theo hướng Hải Dương - Hưng Yên rồi bất ngờ quay đầu tại khu vực đèn tín hiệu giao thông làng Vang - thôn Trên thuộc thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) rồi tiếp tục di chuyển tới một bãi đất rộng hàng chục nghìn mét vuông thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Ngọc Lâm và và phường Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) rồi đổ xuống đó. Quá trình trung chuyển bùn đất diễn ra liên tục trên cung đường nói trên.

Duyệt một nơi, đổ thải một nẻo?

Trước đây, Đường tỉnh 395 chạy qua địa bàn huyện Bình Giang chỉ rộng từ 5,5 - 6m, mặt đường láng nhựa, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, chủ yếu thoát nước xuống ao, hồ, ruộng. Năng lực khai thác tuyến còn nhiều hạn chế.

Bình Giang (Hải Dương): Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 thi công kiểu “lạ”
Người dân băn khoăn về biện pháp thi công “lạ” của dự án.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Giang lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Bình Giang đã đẩy mạnh triển khai các công trình góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông của huyện này. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 (đoạn từ Km16+750 - Km23+920) và đường dẫn cầu Cậy đến Đường tỉnh 394 được coi là công trình trọng điểm của huyện Bình Giang. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang làm chủ đầu tư.

Theo phương án thiết kế, tuyến đường có quy mô, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/giờ. Đường dẫn cầu Cậy có điểm cuối giao với Đường tỉnh 394 tại Km10+115 bao gồm 3 phân đoạn đầu tư; đường cấp II đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Dự án đi qua các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hồng, Tân Việt, Hùng Thắng và Long Xuyên của huyện Bình Giang.

Tháng 10/2023, Liên danh Công ty TNHH Ánh Dương - Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu với mức giá 538 tỷ 664 triệu đồng, chỉ tiết kiệm cho ngân sách vỏn vẹn 224 triệu đồng (giá mời thầu 538 tỷ 888 triệu đồng), thời gian thực hiện hợp đồng 400 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về một số bất cập cũng như cách thi công “lạ” theo phản ánh của người dân tại dự án nói trên, ông Nguyễn Ngọc Quân - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết: “Chúng ta phải nhìn một cách tổng quan, không ai làm đúng được 100%, trong thi công thì không thể tránh được bụi bẩn. Theo phương án thiết kế thi công, mặt Đường tỉnh 395 sẽ được mở rộng lên 25m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5m, mặt đường là 15m. Nên phải mở rộng ra sông rất nhiều, đồng nghĩa với việc lòng kênh thu hẹp lại còn 5m. Do đó, doanh nghiệp được phép vận dụng, tận dụng tối đa 70% đất thải để đắp bờ mái, đắp sông để tạo mặt bằng. Trong phương án thiết kế là như vậy, nhằm tránh lãng phí nguồn dư thừa. Khoảng 30% số đất thải của dự án sẽ được đổ tại 6 điểm theo quy hoạch ở các xã trên địa bàn như: xã Tân Việt, Thái Dương, Hùng Thắng… hay bất kì ở chỗ nào nếu địa phương đề xuất có vị trí cần san lấp”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Để có mặt bằng thực hiện việc kè bờ mái kênh, đơn vị thi công đã tận dụng đất thải để đổ thẳng xuống lòng kênh đầy nước và cây cối liệu có đúng theo phương án thi công được duyệt? Ông Quân giải thích: “Hiện đơn vị thi công đang tiến hành san lấp làm cốt nền, khi đào đắp kè toàn bộ chân mái, có móng xong tạo ra 1,5m thì sẽ múc đáy bùn. Mai kia tiếp tục tận dụng đất để đắp bờ taluy ở tuyến đường, nếu giờ múc đi thì không kè được. Còn việc bơm nước từ đoạn nọ sang đoạn kia là do nhà thầu để kè từng đoạn một làm mặt bằng, làm sao để bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của nhân dân. Biện pháp thi công cho phép như vậy”.

Phóng viên tiếp tục đề cập tới việc đơn vị thi công vận chuyển đất bùn thải sang tỉnh Hưng Yên để đổ có trong biện pháp thi công hay không, ông Quân cho biết: Đơn vị đã nắm được thông tin sự việc và đã tiến hành lập biên bản, thời gian tới sẽ tổ chức cuộc họp để xác định việc đó. Tuy nhiên, khi phóng viên đề xuất được tiếp cận biên bản đã xác lập thì ông Quân lại chưa cung cấp được.

Sáng 16/1, có mặt tại khu công nghiệp Minh Đức, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên), phóng viên chứng kiến hàng loạt xe tải Howo gắn logo BOM mang biển kiểm soát Hải Dương nườm nượp ra vào đổ bùn thải xuống khu đất trống ngay trước cổng làng Ngọc Lãng, xã Ngọc Lâm, thị xã Mỹ Hào. Số bùn thải đó từ đâu đến, có phải từ công trường thi công dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 395 hay không, khu vực đó có được phép đổ bùn thải hay không chúng tôi sẽ làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, UBND thị xã Mỹ Hào, UBND phường Bạch Sam để sớm có câu trả lời.

Vị Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load