Thứ sáu 29/03/2024 03:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương: Xây dựng thành phố thông minh

22:37 | 28/04/2022

(Xây dựng) – Tỉnh Bình Dương vừa tổ chức tổng kết 25 năm ngày thành lập bằng chuỗi hội thảo khoa học “Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đầu ngành. Tại đây, các chuyên gia đã phân tích đánh giá tiềm năng lợi thế và những thách thức mà Bình Dương sẽ gặp, nhất là trong quá trình xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

binh duong xay dung thanh pho thong minh
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - trung tâm của thành phố thông minh.

Tìm hướng đi riêng để tạo đột phá

Đề án thành phố thông minh Bình Dương được phê duyệt từ năm 2016 với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và DN. Đến nay, bước đầu Bình Dương đã đạt kết quả nhất định như được cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh 4 lần liên tiếp; kinh tế phát triển vượt bậc với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đ/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa trên 82%...

Theo TS Nguyễn Thị Oanh - Phó tổng Biên tập Tạp chí Chính trị và Phát triển cho biết: Cũng xây dựng thành phố thông minh nhưng Bình Dương lại tiếp cận theo cách nhìn khác, không theo cách thông thường là áp dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể. Mà Bình Dương xây dựng hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối. Trong đó, mọi thành tố liên tục được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Đồng thời, thành phố thông minh còn là giải pháp ưu việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho người dân.

Đề án thành phố thông minh tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục nghiên cứu khoa học, thu hút doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Từ đó làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư đã có trong vùng, tạo ra nhiều địa bàn cư trú và làm việc cho các DN mới, người dân.

Theo ông Hứa Huy Hoàng - Học viện Chính trị khu vực II, từ năm 2020 đến nay, dựa trên những tiềm năng và thành tựu đã đạt được, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chiến lược phát triển giai đoạn mới là “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”. Đây là đề án với giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Tích hợp Đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 với chiến lược đột phá mới, đặt trọng tâm quy hoạch “Vùng đổi mới sáng tạo” trong mô hình 5 lớp gồm: Quy hoạch đô thị và giao thông; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; về phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và công nghiệp 4.0; phát triển và thu hút nguồn nhân lực.

Hiện, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được xem là đột phá trong giai đoạn phát triển mới, qua đó lấy khoa học và công nghệ làm trung tâm. Sau những thành công trong thu hút vốn FDI, tỉnh đang triển khai thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo với xác định công nghiệp là ngành phát triển chính. Đồng thời, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến BRT, giao thông kết nối vùng; tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Giải pháp để Bình Dương xây dựng thành phố thông minh bền vững

Thành phố thông minh Bình Dương là đề án mong muốn xây dựng một hình ảnh Bình Dương mới với quy hoạch bài bản theo mô hình TOD, là thành phố của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là điểm đến của giao thương quốc tế, là nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Hoàng đề xuất Bình Dương cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị thông minh bằng kết nối về hạ tầng, kết nối xã hội và kết nối công nghệ. Đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị thông minh bằng hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và phát triển nền tảng công nghệ. Và xác định rõ cấu trúc trụ cột trong phát triển đô thị thông minh cần tập trung triển khai 3 yếu tố: công nghệ, con người, quản trị.

Cùng quan điểm đó, TS Phạm Nguyễn Ngọc Anh - Trường Đại học Ngô Quyền (Bộ Quốc phòng) cũng đề xuất 4 giải pháp đột phá để Bình Dương xây dựng thành phố thông minh thành công gồm: Giải pháp đột phá về đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng thành phố thông minh nói riêng. Tức là chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển trong việc giải quyết hài hòa giữa các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đổi mới tư duy trong xu hướng toàn cầu hóa với các liên kết, kết nối chặt chẽ với vùng và khu vực; giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực thông minh cho thành phố thông minh Bình Dương; giải pháp về nâng cao trình độ công nghệ và thu hút có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển thành phố thông minh Bình Dương; chủ động giải quyết những hệ lụy kinh tế, xã hội, môi trường bức xúc trong quá trình đô thị hóa để tiến lên hiện đại, thông minh. Trong đó, chú trọng phát triển nhà ở, nhân rộng mô hình nhà lưu trú cho công nhân, đặc biệt là người lao động ngoại tỉnh trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Đồng tình với các chuyên gia, TS Oanh lại bổ sung thêm Bình Dương cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung của thành phố và kết cấu hạ tầng thông tin - viễn thông. Đồng thời, Bình Dương cũng cần chủ động xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai công nghiệp 4.0.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load