(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đầu tư xây dựng dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương.
Thi công lắp đặt hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tại Bình Dương. |
Theo đó, mục tiêu chung của dự án là kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ cải thiện chất lượng nước thải, bảo vệ chất lượng nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cụ thể là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại một số khu vực thuộc Nam Bình Dương như: Thị xã Tân Uyên, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An. Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải cho thị xã Tân Uyên; mở rộng mạng lưới thu gom và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, dự án được chia làm 2 hợp phần là phát triển cơ sở hạ tầng thoát nước thải và hỗ trợ triển khai, phát triển năng lực thể chế.
Đối với hợp phần 1 phát triển cơ sở hạ tầng gồm xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và các trạm bơm nâng cho thị xã Tân Uyên, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An để có thể tăng độ bao phủ cho khoảng 54.000 hộ gia đình.
Xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất giai đoạn 1 là 20.000m3/ngày đêm tại thị xã Tân Uyên bao gồm cải tạo kênh hở thoát nước cho tuyến hạ lưu suối Cầu Tre với chiều dài tuyến khoảng 1,2km từ phía Nam đường ĐT746 đến đường ĐT747 để đảm bảo tiếp nhận được nước thải sau xử lý và tiêu thoát nước mưa cho lưu vực hiện hữu.
Xây dựng nâng cấp công suất của các nhà máy xử lý nước thải hiện hữu tại thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An với công suất xử lý bổ sung 20.000 m3/ngày đêm cho thành phố Thuận An và công suất xử lý bổ sung 20.000 m3/ngày đêm cho thành phố Dĩ An.
Hợp phần 2 hỗ trợ triển khai, phát triển năng lực và thể chế như: Lập định hướng quản lý nước thải cho tỉnh Bình Dương; hỗ trợ triển khai dự án; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và bồi thường.
Đây là dự án nhóm A thuộc loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 1 với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 828.000m2. Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng sau thuế trên 7.200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (74,25%) và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Bình Dương (25,75%).
Thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2028, trong đó giai đoạn 2020 – 2022 chuẩn bị đầu tư dự án và thực hiện từ năm 2023 – 2028. Công trình được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải Bình Dương làm chủ đầu tư.
Cao Cường
Theo