(Xây dựng) – Để hạn chế xe quá tải trọng cho phép làm hư hỏng các tuyến đê, năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai dự án xây các mố bê tông trên các tuyến đê tả Lô, tuyến đê hữu – tả sông Phó Đáy. Tuy nhiên, việc xây các mố bê tông trên các tuyến đê đã bộc lô nhiều hạn chế. Chi cục Thuỷ lợi đã đề xuất một số giải pháp để bảo vệ an toàn cho các tuyến đê.
Các mố trụ bê tông được đổ bằng bê tông cốt thép, khoảng cách thông thuỷ giữa 2 mố trụ là 2,5m để hạn chế tải trọng trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. |
Vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, để thực hiện công tác phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố vỡ cống Cầu Triệu (xã Triệu Đề, Lập Thạch), cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ một số trụ bê tông trên tuyến đê sông Phó Đáy, tuyến đê tả Lô. Điều này cho thấy, việc xây các mố trụ bê tông để hạn chế xe quá tải trọng cho phép làm hư hỏng các tuyến đê trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trước thực trạng nhiều xe quá tải trọng cho phép (cá biệt có những xe chở vật liệu đến 30 tấn) thường xuyên đi trên các tuyến đê, nhất là tuyến đê tả Lô (huyện Sông Lô), tuyến đê hữu sông Phó Đáy và tuyến đê tả sông Phó Đáy (huyện Tam Dương, Lập Thạch) làm hư hỏng mặt đê, gây mất an toàn đê điều; năm 2018, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nay là Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đã phê duyệt Kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều tại Quyết định số 50/QĐ-PCTTQLĐĐ ngày 09/02/2018. Trong đó, có hạng mục xây các mố bê tông hạn chế tải trọng trên các tuyến đê (tuyến đê tả Lô, tuyến đê hữu sông Phó Đáy, tuyến đê tả Phó Đáy) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo thiết kế, các trụ được đổ bằng bê tông cốt thép, khoảng cách thông thuỷ giữa 2 mố trụ là 2,5m.
Việc lắp đặt mố hạn chế tải trọng trên các tuyến đê tuy là giải pháp tình thế, song đã phát huy tác dụng ngăn chặn xe quá tải đi trên đê, hạn chế mặt đê bị hư hỏng. Giải pháp này cũng đã được nhiều địa phương khác triển khai thực hiện như: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa...
Qua thời gian, các trụ bê tông hạn chế tải trọng đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập. |
Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ chính là củng cố khả năng chống lũ, các tuyến đê (tuyến đê tả Lô, tuyến đê hữu sông Phó Đáy, tuyến đê tả sông Phó Đáy) còn kết hợp là các trục đường giao thông chính của tỉnh Vĩnh Phúc. Qua thời gian đưa vào khai thác sử dụng, các trụ bê tông hạn chế tải trọng hiện đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính đồng bộ như: Chưa có đèn tín hiệu báo ban đêm, các gờ giảm tốc, biển hạn chế tốc độ, sơn phản quang đã bị mờ… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là vào ban đêm. Hơn nữa, các trụ bê tông còn gây khó khăn trong việc xử lý sự cố về phòng cháy chữa cháy khi có sự cố, vì xe phòng cháy chữa cháy có kích thước lớn hơn chiều rộng giữa 2 trụ.
Để khắc phục những bất cập hạn chế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và đề nghị Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai xem xét, cho phép tháo dỡ các mố hạn chế tải trọng đã được đầu tư xây dựng từ năm 2018 tại 3 tuyến đê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với tình hình vi phạm xe quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê vẫn phổ biến như hiện nay, việc duy trì các mố hạn chế tải trọng trên các tuyến đê là cần thiết và Bộ đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng các mố hạn chế tải trọng đã xây dựng trên địa bàn; trong trường hợp cần thiết, tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh, thực hiện các giải pháp hạn chế tải trọng phù hợp để giữ an toàn cho đê và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên đê.
Một số mố trụ bê tông đã được tháo dỡ để thực hiện công tác phòng chống thiên tai đợt bão số 3, phòng cháy chữa cháy. |
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 2712/UBND-NN4 ngày 24/4/2024, về việc xử lý bất cập của các trụ bê tông hạn chế tải trọng trên tuyến đê Sông Lô, sông Phó Đáy. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thực hiện các giải pháp hạn chế tải trọng phù hợp, để giữ an toàn cho đê và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên đê như: Lắp đặt biển cảnh báo, bố trí các gờ giảm tốc, sơn phản quang… Khi đảm bảo các điều kiện nhằm hạn chế tải trọng phù hợp, từng bước tổ chức xử lý các mố hạn chế tải trọng đang xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn giao thông.
Cùng với đó, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cắm các loại biển báo hiệu giao thông đường bộ tại các nút giao và những vị trí nguy hiểm trên đê như tại vị trí mặt cắt đê co hẹp, bán kính cong không đảm bảo… để đảm bảo an toàn, đúng quy định của ngành Giao thông vận tải.
Lực lượng Công an các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương phối hợp với Thanh tra Giao thông tăng cường công tác quản lý xe cơ giới đi trên đê, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tình trạng các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê. UBND các huyện có đê rà soát bố trí các đèn tín hiệu trên đê tại những vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Với nhiệm vụ được giao, Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã tiến hành rà soát toàn bộ các mố trụ bê tông còn lại trên các tuyến đê để thực hiện duy tu, lắp đặt các gờ giảm tốc, sơn phản quang… để đảm bảo an toàn giao thông. Dự kiến Chi cục Thuỷ lợi sẽ tiến hành thực hiện dự án vào cuối năm 2024, chậm nhất là sang đầu năm 2025.
Bích Huệ
Theo