(Xây dựng) - Khởi công từ năm 2016, đến nay dự án chống ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành hơn 90% nhưng vẫn “mịt mờ” ngày về đích.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 và chấp thuận triển khai theo cơ chế đặc thù.
Mục tiêu dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án có quy mô gồm 6 cống ngăn triều (cống ngăn triều Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và cống ngăn triều Phú Định) và xây kè ven sông dài 7,8km từ Vàm Thuật đến sông Kinh.
Tổng mức đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên tới nay, dự án vẫn ngưng trệ dù khối lượng công trình đạt hơn 90%.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, cống Bến Nghé (quận 1) đã hoàn thành 97% khối lượng nhưng đang phải án binh bất động.
Công trình cống ngăn triều Bến Nghé có chức năng kiểm soát triều chống ngập cho khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Cống Phú Xuân đã lắp 2 cửa van nặng 212 tấn vào tháng 8/2020 nhưng sau đó đã ngừng thi công.
Hệ thống nhà điều hành bỏ hoang, khu vực xung quanh cống cỏ cây mọc um tùm.
Tương tự, cống Tân Thuận (quận 7) đã đạt hơn 93% khối lượng công việc nhưng cũng trong tình trạng "đắp chiếu”.
Tại công trình nhiều rác thải chất đống, một số hạng mục bị hoen gỉ dưới nắng mưa.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả. Kế hoạch nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Các cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết vấn đề liên quan sẽ bị thay thế, điều chuyển sang công việc khác.
Viết Dũng - Quang Hải
Theo