(Xây dựng) – Sau 25 năm phát triển, đến nay Bình Dương có 01 đô thị loại I (thành phố Thủ Dầu Một), 04 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) và 05 đô thị loại V thuộc huyện (gồm thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình). Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa khá cao đạt trên 82% nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị.
Đô thị thông minh với trung tâm hành chính tập trung giúp giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh gọn tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tổ chức và người dân. |
Thách thức trước làn sóng đô thị hóa cao
Các đô thị giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện và có bản sắc riêng. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Là tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị nên Bình Dương đứng trước áp lực về đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, trong quản lý phát triển đô thị, tỉnh đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị của tỉnh cũng như các đô thị trực thuộc. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cao cùng với sự gia tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị (đặc biệt là khó khăn trong tạo lập quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giáo dục, y tế, văn hóa).
Theo TS Trần Du Lịch, Bình Dương không thể phát triển lên cao và tự đứng, đi một mình, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau. Theo đó, cần có cơ chế liên kết vùng để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng, kết nối đường vành đai 3 và 4 với thành phố Hồ Chí Minh, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, để tạo ra đường băng cho cuộc đua giúp Bình Dương tăng tốc phát triển.
Những khó khăn bất cập của Bình Dương cần phải vượt qua đó là: Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương có lúc có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bộ máy quản lý nhà nước về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng hoạt động chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khâu trung gian từ cấp xã đến cấp huyện dẫn đến tình trạng quản lý thiếu tập trung, chưa thống nhất…
Mục tiêu phát triển
Mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống tốt; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; có kiến trúc đô thị tiên tiến, bản sắc; có vai trò, vị thế quan trọng trong mạng lưới đô thị của vùng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Trước mắt, năm 2023 thị xã Bến Cát và Tân Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Năm 2025 nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 85%, đến năm 2030 đạt trên 85%. 100% các đô thị có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang; có chương trình, kế hoạch cải tạo chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị. Đến năm 2025 các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương và thị trấn Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại IV, các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đồng thời đến năm 2030, các đô thị Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo) Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) được công nhận đạt đô thị loại IV và xã Minh Hoà (huyện Dầu Tiếng) được công nhận đạt đô thị loại V.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đưa ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương gồm: Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%. 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT. 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh. 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.
Đến năm 2045 quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.
Giải pháp phát triển đô thị Bình Dương
Để phát triển đô thị theo hướng thông minh và đổi mới sáng tạo, Bình Dương đưa ra 6 giải pháp gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển; xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, trật tự đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế và đầu tư phát triển đô thị.
Hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ giữa các đô thị trong tỉnh và dễ dàng kết nối với khu vực. |
Trong một lần công tác tại Bình Dương GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng phát biểu: Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, Bình Dương sẽ tiếp tục là một hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.
Cùng quan điểm đó, PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Bình Dương đang quy hoạch phát triển theo hướng xây dựng thành phố “công nghệ cao” và “thông minh”, trong không gian liên kết vùng và kết nối toàn cầu. Đây là cấu trúc điển hình của phương thức phát triển hiện đại. Trong giai đoạn mới, khi quỹ đạo phát triển của Bình Dương vận hành trong một “hệ sinh thái” mới - công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh - vấn đề kết nối số, kết nối sáng tạo sẽ được ưu tiên cao, ngày càng vượt trội so với kết nối hạ tầng “cứng” truyền thống. Ở khía cạnh này, Bình Dương cũng đang vượt trước đa số các địa phương khác trong cả nước, đang tự tin tham gia vào cuộc đua tranh phát triển toàn cầu, ở bậc cao nhất - xây dựng đô thị thông minh - sáng tạo - với những thành tích ban đầu thật sự đáng khích lệ.
Trước hết, Bình Dương đang tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược và nguyên tắc phát triển bền vững. Bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
Trong đó áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn để xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững (đô thị thông minh, đô thị sinh thái,…) phù hợp với điều kiện từng đô thị thuộc tỉnh. Đầu tư phát triển các chương trình xây dựng đô thị đạt các tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, sự cố môi trường, dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong các công trình xây dựng đô thị…
Cao Cường
Theo