(Xây dựng) - Ngày 14/6, tỉnh Bình Dương dự thảo sơ kết Chương trình số 20 và Chương trình số 42. Từ những chương trình này, Bình Dương đã hoàn thành 6 dự án giao thông; nhiều công trình hạ tầng cơ sở được cải thiện và phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương sơ kết Chương trình 20 và Chương trình 42. |
Chương trình số 20-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2020-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình số 20); Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình số 42).
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương: Thực hiện Chương trình số 42, giai đoạn từ năm 2021 - 2023 được triển khai quyết liệt. Đặc biệt là các dự án cao tốc, vành đai thuộc quản lý của Trung ương nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư. Đến nay đã cơ bản hoàn thành có 6 dự án, trong đó có 3 dự án đang thi công và 3 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện còn 9 dự án đã và đang phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong giai đoạn này có tổng cộng 12 dự án, công trình được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, kiến nghị và kêu gọi đầu tư; trong đó có 10 dự án, công trình đường bộ và 2 dự án hạ tầng đường thủy nội địa.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện, Sở Xây dựng đang phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan để tích hợp mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) trong quy hoạch đô thị gắn với các tuyến đường giao thông công cộng; kêu gọi đầu tư các hệ thống cảng theo quy hoạch trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính.
Kết quả thực hiện Chương trình số 20, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau 2 năm triển khai, chất lượng của các dịch vụ như logistics, viễn thông, ngân hàng, xuất nhập khẩu ngày càng cải thiện. Lĩnh vực cấp nước, thoát nước, giao thông vận tải, cấp điện, nhà ở phát triển khá đồng bộ; lĩnh vực văn hoá xã hội, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển.
Từ những chương trình này, đến cuối năm 2022, tại Bình Dương tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 22,8% trong cơ cấu kinh tế (tăng 0,3% so với năm 2021) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra; tăng trưởng bình quân khu vực dịch vụ đạt 6,89%/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 5,47%/năm. Tổng mức bản lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 9,9%/năm; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá chiếm khoảng 69,33%. Dịch vụ logistics có nhiều khởi sắc, đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ logistics đạt mức độ 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và 4PL (cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo-LPL)…
Yphong
Theo