(Xây dựng) - Năm nay, Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963-30/10/2023). Chặng đường 6 thập kỷ, địa phương có nhiều thành tựu tiêu biểu trong xây dựng công trình hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Với người dân vùng sơn khu, hải đảo thì ghi lòng khi điện lưới quốc gia vượt núi cao biển cả đến thắp sáng cho căn nhà mình là công trình xây dựng để đời.
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển hệ thống lưới điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Giai đoạn 2013- 2020, từ nguồn ngân sách của tỉnh, Quảng Ninh đã đầu tư 1.949 tỷ đồng cho phát triển hệ thống điện. Trong đó, kéo điện ra huyện đảo Cô Tô trị giá đầu tư 1.107 tỷ đồng; Kéo điện ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn trị giá 200 tỷ đồng; Điện ra đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà và đảo Trần huyện Cô Tô đầu tư 591 tỷ đồng và điện cho các cụm điểm dân cư dưới 20 hộ chưa được sử dụng điện chủ yến là ở các khe bản đồng bào thiểu số ở vùng cao biên giới, giá trị đầu tư 51 tỷ đồng. Năm 2020, Quảng Ninh 100% hộ dân có điện sử dụng, trong đó số sử dụng điện mặt trời chiếm tỉ lệ rất nhỏ (210 hộ), số còn lại sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia.
Điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo đặt ngầm dưới đáy biển dùng loại cáp 3 lõi 3x240mm2 với 24 sợi quang thích hợp, sản phẩm của Nhà sản xuất và cung cấp Prysmian, vương quốc Nauy. |
Quảng Ninh, lộ trình đầu tư phủ lưới điện quốc gia về vùng hẻo lánh tiến hành từng bước chắc chắn. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn triển khai đầu từ năm 2010, hoàn thành tháng 6/2013. Quy mô đầu tư xây dựng 267,4km đường dây trung áp, 179 trạm biến áp/tổng công suất 11.479kVA, 429,7km đường dây hạ áp, cấp điện cho 9.402 hộ chưa được sử dụng điện tại 182 thôn, khe bản. Tổng mức đầu tư 376,12 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư 153,71 tỷ đồng, ngành điện đầu tư 222,4 tỷ đồng.
Mỗi trạm điện ngoài hải đảo đóng điện an toàn là niềm vui của cán bộ, công nhân ngành điện và nhân dân địa phương. |
Công trình cấp điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, triển khai 10/11/2012, hoàn thành tháng 10/2013. Huyện đảo Cô Tô nằm trên vùng biển Đông, vịnh Bắc bộ Việt Nam, cách đất liền 45 km vùng biên hải, có diện tích 46,2 km2 với trên 40 hòn đảo lớn, nhỏ; dân số có 1.491 hộ với gần 6.000 nhân khẩu. Quy mô đầu tư 23,226km đường dây 110kV 2 mạch; 25,064km cáp ngầm xuyên biển tiêu chuẩn 22kV và 43,333km đường dây trên không 22kV; 8 trạm cắt 22kV; 18 trạm biến áp 22/0,4kV với tổng công suất 3.730kVA và 39,54km đường dây hạ áp; 1.797 công tơ đo đếm với tổng mức đầu tư 1.106.913 triệu đồng; cấp điện cho 1.491 hộ. Đưa điện lưới Quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, là công trình đầu tiên trong cả nước thi công tuyến cáp ngầm xuyên biển ở cấp điện áp 22kV, cáp được chôn trực tiếp dưới đáy biển ở độ sâu từ 0,5- 1,5m, tuyến cáp liền, không nối, độ sâu khu vực thi công trung bình khoảng 18m.
Huyện Vân Đồn là một quần đảo với trên 600 hòn đảo lớn nhỏ, 20 đảo có người ở trên vùng biển Vịnh Bái Tử Long, gồm 1 thị trấn và 11 xã, trong đó có 5 xã đảo xa đất liền. Công trình đưa điện lưới ra 5 xã đảo của huyện khởi công 19/4/2014, hoàn thành 17/01/2015. Quy mô xây dựng gồm 3 công trình: công trình cấp điện cho xã Bản Sen; công trình cấp điện cho xã Ngọc Vừng, Thắng Lợi; công trình cấp điện cho xã Quan Lạn, Minh Châu; Quy mô đầu tư gồm 4 trạm cấp 22kV; 81km đường dây trung áp 22kV; 21 trạm biến áp phân phối/tổng dung lượng 4.900kVA; 59,7km đường dây hạ áp cấp điện cho 2.268 hộ chưa được sử dụng điện. Tổng mức đầu tư 304,782 tỷ đồng, trong đó 201,225 tỷ đồng vốn của ngành điện; tỉnh Quảng Ninh đóng góp 103,562 tỷ đồng.
Đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn xây dựng trên vùng biển đảo địa hình thi công phức tạp, đường điện qua nhiều đồi núi cao, lộng gió biển, nhiều cánh rừng cò nguyên sinh. Nhiều móng cốt xây dựng trên độ cao 154m so với mặt nước biển, cột trung bình cao 20m, có vị trí cột cao đến 98m (kỉ lục cột điện cao nhất Quảng Ninh). Công trình xây lắp lại gặp nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển nguyên vật tư vật liệu, lắp đặt thiết bị trên cột. Sau gần 9 tháng thi công, nhân dân 5 xã đảo nơi trùng khơi lần lượt được phủ lưới điện quốc gia, người dân hân hoan đón ánh sáng điện như đón thần lộc về nhà.
Ngày 15/8/2020, ngư dân đảo Trần phấn khởi đón điện lưới quốc gia. |
Công trình đưa lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên huyện Hải Hà, quy mô đầu tư xây dựng mới 34km đường dây 22kV trên không; 16,1km cáp ngầm 22kV xuyên đáy biển; 6 trạm biến áp/tổng dung lượng 920kVA; 15,21km đường dây hạ áp và lắp đặt 107 công tơ đo đếm, tổng mức đầu tư là 594.88,7 triệu đồng.
Trạm biến áp 75k VA-35 trên 0,4k V cấp điện cho 109 hộ ở bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà. |
Dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, cấp điện cho xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà hoàn thành tháng 4/2016, cấp điện 160 hộ dân với tổng mức đầu tư 198 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2 cấp điện đảo Trần, huyện Cô Tô với quy mô đầu tư 13km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 6,7km đường dây trên không 22kV và 3 trạm biến áp/ tổng công suất 460kVA; 3,34km đường dây hạ áp cấp điện cho 55 hộ sử dụng điện 1 pha và 6 tổ chức, tổng mức đầu tư 355,7 tỷ đồng, khởi công vào ngày 09/01/2020, hoàn thành ngày 15/8/2020 (công trình vinh dự chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV).
Ngày 28/4/2016, ông Nguyễn Đức Long, khi ấy làm Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng xã đảo Cái Chiên có điện lưới quốc gia. |
Dự án cấp điện cho các cụm/điểm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện. Quy mô đầu tư xây dựng 15,47km đường dây trung áp 35kV, 22kV; 12 trạm biến áp phân phối/tổng dung lượng 800kVA; 25,7km đường dây hạ áp cấp điện cho 276 hộ và hệ thống pin năng lượng mặt trời cấp điện cho 210 hộ tại 88 thôn/33 xã của 10 huyện thị xã thành phố (diện cư dân sống rải rác, khuất nẻo ở Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô, Đông Triều, Hoành Bồ). Tổng mức đầu tư 50,9 tỷ đồng, dự án đầu tư năm 2018 và hoàn thành tháng 1/2019.
Ngày 27/01/2019, tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu khánh thành công trình phủ lưới điện quốc gia đến các khe bản nhỏ lẽ ở vùng cao biên giới. |
Quảng Ninh đi đầu cả nước về phát triển hệ thống lưới điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đã phủ điện lưới quốc gia cho 100% dân bản vùng sơn khu hẻo lánh và cho dân chài nơi hải đảo xa xôi... địa phương đã có tổng kết, đúc rút được những bài học kinh nghiệm quí.
Phóng viên Báo Xây dựng tự lượm thấy một số vấn đề then chốt: Công trình bắt nguồn từ ý Đảng - lòng dân. Người dân đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng, công trình được trên 11.000 hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây... giảm được khoản chi phí tiền bồi thường thu hồi đất. Sự đồng nhất chung vai của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, không có sự né tránh, đùn đẩy, hoặc kéo rào ngược sau lưng. Sự đồng thuận hợp tác giữa địa phương và nhà đầu tư, cụ thể là giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với ngành Điện. Sự huy động các nguồn lực hợp pháp tạo cường lực.
Những đêm đầu điện lưới quốc gia thắp sáng đảo Cô Tô. |
Nhận diện từ Dự án điện ra đảo Cô Tô tổng mức đầu tư 1.106.913 triệu đồng, đã huy động các nguồn lực đóng góp được 570 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Chính phủ 120 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 250 tỷ đồng, ngân sách huyện 9 tỷ đồng, các doanh nghiệp đóng góp 189 tỷ, Hội phật giáo địa phương góp 2 tỷ 400 triệu đồng.
Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh thành công chương trình phủ lưới điện Quốc gia cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo... Người dân thì tạc dạ, ghi lòng, công trình xây dựng này để đời trên đất Quảng Ninh.
Vũ Phong Cầm
Theo