Thứ tư 13/11/2024 07:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh

20:46 | 12/11/2024

(Xây dựng) - Hàng ngàn công nhân, kỹ sư và máy móc thiết bị ngày đêm miệt mài thi công xuyên đêm trên công trường dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
17h30 chiều, máy móc chuyên dụng được tập kết ở các khu vực cửa hầm, sẵn sàng cho ca làm đêm.

Với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “3 ca, 4 kíp”, các công nhân và kỹ sư thuộc dự án luân phiên thi công, xác định làm việc xuyên lễ Tết, tranh thủ giai đoạn mùa khô từ nay đến tháng 5/2025 để đẩy nhanh tiến độ, nhất là đối với các hạng mục ngoài trời.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (doanh nghiệp dự án), hiện dự án đã được bàn giao 54,733Km/93,35km mặt bằng, các nhà thầu hiện đang huy động 1.020 nhân sự và 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi thi công đồng loạt các hạng mục hầm xuyên núi, cầu vượt, cống,… Sản lượng thi công hiện đạt khoảng 485 tỷ đồng/10.056,85 tỷ đồng, tương đương 4,85% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ đề ra.

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Hai công nhân gia cố mái cơ hầm 2 khẩn trương hoàn thành công việc trước khi ca ngày kết thúc.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Gần 18h, công nhân và ca trưởng các ca trao đổi công việc trước khi kết thúc ca ngày, bắt đầu thi công ca đêm.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Cái rét đầu đông vùng cao không làm chùn khí thế lao động của những người làm đường Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tại các hạng mục hầm, qúa trình đào hầm được tiến hành theo các bước: khoan, nổ mìn, bốc xúc đất đá, dựng khung vì và phun bê tông. Để hoàn thành mỗi chu kỳ công đoạn này, cần khoảng 13 giờ liên tục.

Chỉ huy trưởng hầm 2 phía Tây, ông Nguyễn Vân Lượng chia sẻ, tiến độ đào hầm chịu ảnh hưởng bởi điều kiện địa chất. Với nền địa chất phức tạp của vùng núi Đông Bắc, đội ngũ kỹ sư, công nhân đào hầm đạt tốc độ trung bình từ 2 đến 6 mét dài (md) mỗi ngày.

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Sương đêm tràn xuống phủ khắp vùng núi Cao Bằng. Nhưng bước vào trong hầm, cái giá rét nhường chỗ cho sức nóng hầm hập từ máy móc và khí thế làm việc hừng hực của công nhân đào hầm.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Khu vực vùng núi Đông Bắc có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn. Hiện nay, ống phải hầm 2 đã đào được hơn 380 md.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Sau khi khoan, thợ mìn bố trí dây dẫn thuốc nổ. Trung bình mỗi ống hầm trải qua 2-3 lần kích nổ mỗi ngày tùy vào tiến độ đào.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Kiểm tra các mối nối dây dẫn thuốc nổ. Tùy vào điều kiện địa chất để cân nhắc lượng thuốc nổ phù hợp thực hiện những cú nổ dài hoặc ngắn, trước khi tiến hành dựng vì và cắm neo gia cố để đảm bảo an toàn.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Trước khi kích nổ, thợ nổ mìn cẩn trọng soi đèn từng lỗ khoan nhằm đảm bảo kỹ thuật và an toàn. Đây là công đoạn quan trọng để đảm bảo vụ nổ diễn ra đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Sau khi nổ mìn, công nhân gia công neo tạo ô, dựng vì trước khi phun bê tông gia cố vỏ hầm.
Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả áp dụng phương pháp đào hầm NATM “hệ Đèo Cả” giúp rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả thi công hầm.

Đại diện Ban Điều hành tổng thầu cho biết, các ca làm việc được tổ chức luân phiên khoa học, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vừa tối ưu hiệu suất thi công. Ban Điều hành cũng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, đặc biệt đối với các hạng mục thi công trong hầm còn có các thiết bị hỗ trợ như hệ thống quạt gió công suất lớn hỗ trợ kỹ sư và công nhân trong suốt quá trình thi công trong hầm.

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Giữa ca làm việc, công nhân được bồi dưỡng bữa phụ nạp thêm năng lượng.

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, ông Phạm Hùng Dương, Trưởng Ban An toàn Vệ sinh Lao động, cho biết trên công trường dự án, công tác an toàn lao động luôn được chú trọng. Các khoá tập huấn về an toàn lao động được tổ chức thường xuyên, công tác giám sát an toàn lao động tại hiện trường cũng được triển khai sát sao toàn dự án. Kỹ sư, công nhân lành nghề luôn ý thức bảo vệ bản thân và đồng nghiệp, tạo thành một tập thể gắn kết với tinh thần trách nhiệm cao, cùng hướng tới mục tiêu chung.

Đêm trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Tập hợp công nhân để phổ biến quy định an toàn lao động trước trước khi bắt tay vào ca làm việc.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 93 km, với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Trên tuyến chính có tổng cộng 4 hầm và 2 hầm ở tuyến nhánh.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi hoàn thành đóng vai trò tăng cường kết nối giao thương trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cả nước.

Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án giai đoạn 1. Nhằm thúc đẩy tinh thần nhà thầu đảy nhanh tiến độ dự án, đầu tháng 10, doanh nghiệp dự án đã phát động phong trào thi đua đếm ngược 525 ngày đêm thông tuyến cao tốc, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà thầu.

Phương Nghi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load