(Xây dựng) – Tiếp tục Phiên họp sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH). Theo đó, UBTVQH đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật TCQH liên quan đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội...
Toàn cảnh Phiên họp sáng 12/2. (Ảnh: Quốc hội). |
Đề cập về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị tại Kết luận số 121-KL/TW và Kết luận số 111-KL/TW, UBTVQH đã xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCQH nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật TCQH, UBTVQH đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật TCQH tập trung vào các nội dung gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH...
Bên cạnh đó, đề xuất điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Với việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung nêu trên, thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền, sau khi Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCQH, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết về số thành viên UBTVQH khóa XV (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội (bao gồm cả đơn vị chuyên môn giúp việc).
Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật TCQH hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPL tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật như được nêu trong Tờ trình của UBTVQH.
Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan...
Đồng thời, UBPL tán thành với việc sửa đổi quy định về phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước; tán thành việc dự thảo Luật chỉ quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; còn việc thành lập từng Ủy ban cụ thể thì do Quốc hội quyết định căn cứ vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật...
UBPL cũng tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH như dự thảo Luật; tán thành việc không quy định về Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trong Luật TCQH mà quy định nội dung này trong Nghị quyết của UBTVQH...
Linh Anh
Theo