Thứ sáu 03/05/2024 11:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng bằng sông Cửu Long: “Giải cứu” những công trình trọng điểm

Bài 2: Lượng cát sông không thể đáp ứng cho công trình

21:52 | 05/04/2024

(Xây dựng) – Để “giải cứu” các công trình trong cơn “đói” cát, các địa phương đã vận dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác một số mỏ cát nhưng không ít lãnh đạo địa phương lo âu trước việc đầu tư xây dựng các công trình, lượng cát san lấp biết bao giờ mới đủ.

Bài 2: Lượng cát sông không thể đáp ứng cho công trình
Mỏ cát được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù phải kiểm tra hết sức nghiêm ngặt từ khâu khai thác đến khâu bán ra.

Cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù

Trước việc thiếu cát san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm, chính quyền địa phương đề xuất cho khai thác các mỏ cát theo cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội để phục vụ dự án. Các tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp được chọn khai thác mỏ cát phục vụ cho các công trình giao thông trọng điểm.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các Sở, ngành liên quan và địa phương đã bàn giao ngoài thực địa vị trí mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh bàn giao mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái, thuộc xã Thiện Mỹ và xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) với trữ lượng 0,758 triệu m3 cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam.

Hai mỏ cát còn lại được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, gồm: Mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái, thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ) trữ lượng 0,563 triệu m3; mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành, trữ lượng hơn 1,1 triệu m3. UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao 7 mỏ cát khai thác theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hiện không có mỏ cát nào khai thác để cung cấp công trình trong tỉnh.

Trung tuần tháng 3/2024, UBND tỉnh An Giang vừa cấp quyền khai thác 10 khu mỏ, với hơn 15,5 triệu m3 cát sông phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, UBND tỉnh An Giang cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gần 5,2 triệu m3 cát. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang hơn 4,11 triệu m3; đoạn qua thành phố Cần Thơ gần 3,29 triệu m3 và đoạn qua tỉnh Hậu Giang gần 2,63 triệu m3. Các khu mỏ có trữ lượng cát sông lớn được cấp cho cao tốc lần này gồm mỏ trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân được cấp quyền khai thác cho Công ty Cổ phần Hải Đăng hơn 1,1 triệu m3 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam hơn 816.000m3.

Mỏ trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cấp cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An khai thác hơn 3,2 triệu m3. Mỏ sông Tiền đoạn thuộc Phú An, huyện Phú Tân cấp cho Tổng Công ty 36 - CTCP khai thác hơn 724.000m3. Hai mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân; mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân được cấp cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác với trữ lượng hơn 3 triệu m3.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, các nhà thầu đang phối hợp với Sở TN&MT để lập các thủ tục khai thác 7 mỏ cát theo quy định phục vụ cho dự án. 7 mỏ cát này với tổng diện tích gần 600ha trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có trữ lượng hơn 16 triệu m3. Tuy nhiên, thủ tục khai thác mỏ trải qua nhiều thủ tục. Do vậy, dự kiến tới ngày 30/4/2024 mới hoàn thành.

“Bảo vệ” đầu ra hết sức nghiêm ngặt

Theo chính quyền địa phương, việc cấp giấy phép khai thác khó, việc quản lý quá trình khai thác cũng như vận chuyển khó bội phần. Lực lượng địa phương thay phiên nhau túc trực 24/24. Các nhà thầu cũng cần lập kế hoạch khai thác, phương án an toàn giao thông đường thủy, lắp đặt thiết bị định vị phương tiện khai thác, đăng ký phương tiện phục vụ cho việc khai thác các mỏ cát...

Các nhà thầu phải đảm bảo toàn bộ cát khai thác phải được cung ứng cho dự án. Khi kết thúc việc khai thác phải hoàn thiện các thủ tục đóng cửa mỏ phục hồi môi trường theo đúng quy định.

Cán bộ lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, khi cấp quyền khai thác 10 mỏ cát cho nhà thầu, lãnh đạo Sở TN&MT An Giang yêu cầu, các nhà thầu được giao mỏ khoáng sản bổ nhiệm ngay Giám đốc điều hành mỏ theo quy định. Đồng thời, lắp đặt thiết bị, phương tiện định vị, giám sát, có đặt màn hình theo dõi tại UBND xã nơi khai thác; đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển.

Nhà thầu khai thác cát phải báo cáo định kỳ hằng tuần, hằng tháng cho Sở TN&MT An Giang về khối lượng khai thác tại mỏ; chủ đầu tư các tuyến cao tốc báo cáo khối lượng cát tiếp nhận thực tế tại công trình.

Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở Tài chính An Giang để hướng dẫn, công bố giá khai thác, xuất hóa đơn, chứng từ cho phương tiện vận chuyển; đưa hóa đơn lên phần mềm để ngành chức năng kiểm soát phương tiện, khối lượng vận chuyển đúng địa chỉ.

UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, giám sát việc khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định. Định kỳ hàng tuần (thứ 5) và hàng tháng (ngày cuối tháng), đơn vị được cấp xác nhận thu hồi khoáng sản phải tổng hợp, báo cáo khối lượng khai thác về Sở TN&MT.

Cùng với đó, các nhà thầu báo cáo định kỳ cho chủ đầu tư dự án về tình hình, thông tin khối lượng cát đã tiếp nhận và thi công đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Sở TN&MT An Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, tiêu thụ cát dựa trên thông tin “đầu ra” (lượng cát khai thác tại mỏ) và “đầu vào” (lượng cát đưa về công trình cao tốc).

Quy định hết sức nghiêm ngặt nhưng nhà thầu cũng vi phạm. Tháng 9/2023, trước nhu cầu cấp bách cát phục vụ công trình, tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác đầu tiên mỏ cát An Nhơn diện tích 20ha, trữ lượng phê duyệt 547.000m³, đã khai thác 329.000m³, khoảng 65% trữ lượng cho phép.

Ngày 3/4, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa đình chỉ hoạt động mỏ cát này. Trước đó, hai đoàn kiểm tra của tỉnh luân phiên kiểm tra toàn bộ các mỏ cát đang khai thác, kể cả các bến bãi tập kết cát trên địa bàn. Trong đó, Sở TN&MT đã độc lập kiểm tra các mỏ đang khai thác về trữ lượng, sản lượng, tác động môi trường... và nghĩa vụ thuế của nhà thầu.

Qua kiểm tra phát hiện tại mỏ cát xã An Nhơn có sai sót liên quan đến kỹ thuật, quá trình khai thác chưa đồng bộ khiến một số vị trí vượt độ sâu cho phép, cục bộ một số địa điểm tập trung khai thác quá sâu. Đoàn kiểm tra đã trình UBND tỉnh đình chỉ hoạt động mỏ cát này để rà soát lại tổng thể trữ lượng và sản lượng đã khai thác và có hướng tiếp theo.

Bài 2: Lượng cát sông không thể đáp ứng cho công trình
Mỏ cát đầu tiên ở Đồng Tháp khai thác phục vụ dự án cao tốc tháng 9/2023.

Tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút triển khai các bước, hoàn thành đánh giá tác động môi trường đối với hai mỏ cát tại các vị trí: Xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh; Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B thuộc huyện Lấp Vò; mỏ Thường Lạc - An Khánh, huyện Hồng Ngự; phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự.

Dự kiến giữa tháng 4/2024 sẽ đưa vào khai thác phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trữ lượng khai thác 27.000m³/tháng. Giải pháp trước mắt để có nguồn cát cung ứng cho các công trình cao tốc, địa phương đã bố trí nguồn cát khai thác năm 2023 và các dự án nạo vét ước đạt 171.000m3.

Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó, thời gian tới, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, lên đến khoảng 47,8 triệu m3. Trong đó, năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3. Làm thế nào không còn nỗi lo thiếu cát là câu hỏi cần có lời giải đáp?

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nguy cơ ánh sáng xanh và an toàn quang sinh học

    (Xây dựng) - Ánh sáng xanh lam xuất hiện tự nhiên như một phần của ánh sáng Mặt Trời và những nguồn sáng nhân tạo. Đã từ lâu, con người dường như mặc nhiên thừa nhận rằng, thế giới sự sống đã “thích nghi” với các loại nguồn sáng này. Tuy nhiên khoảng hai chục năm nay, khi đèn LED trắng, với hàm lượng ánh sáng xanh lam rất lớn được phổ biến trong các loại hình chiếu sáng thì người ta đã có nhiều lo ngại về những tác dụng tiêu cực của ánh sáng xanh, đặc biệt là xanh lam lên con người và động thực vật. Cũng từ đó, các cụm từ “nguy cơ ánh sáng xanh” hay “an toàn quang sinh học” không chỉ mang tính cảnh báo mà đã được luật hóa bằng một Tiêu chuẩn quốc tế mã hiệu IEC/EN 62471: 2006: “Photobiological Safety of Lamps and Lamp Systems”, nghĩa là “An toàn quang sinh học đối với đèn và hệ thống đèn”. Bài viết này trình bày các vấn đề liên quan đến vấn đề trên.

  • Nghệ An khắc phục hậu quả do mưa đá và dông lốc ở huyện miền núi

    Theo thống kê ban đầu, hơn 200 ngôi nhà của người dân tại 7 bản trên địa bàn huyện Tương Dương bị hỏng ngói, thủng mái tôn; một số cây cối và nhiều diện tích hoa màu của người dân bị gãy đổ.

  • Chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng

    (Xây dựng) - Khái niệm chiếu sáng xanh thường được hiểu có liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và tác động môi trường. Chủ đề của hội thảo là về chiếu sáng xanh (green lighting) sẽ có nhiều nội dung đề cập đến việc sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng, các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vấn đề phát thải khí nhà kính của hệ thống chiếu sáng, vấn đề tái sử dụng nguyên vật liệu và các thành phần của thiết bị chiếu sáng như một phần của kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng khác cần quan tâm đến đối tượng sử dụng chiếu sáng chính là con người nên cần biết tác động của ánh sáng đối với con người như thế nào để tạo được môi trường ánh sáng tốt nhất cho sức khỏe con người. Ở đây chúng tôi đề cập chủ yếu đến tác động của ánh sáng đối với sức khỏe con người và giải pháp chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng.

  • Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Khi những “quả bom” chực chờ nổ!

    (Xây dựng) - Vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hôm 1/5, làm 6 người tử vong cùng 5 người bị thương tiếp tục gióng hồi chuông về những quy định lao động, quy trình sản xuất và cả chất lượng thiết bị, công trình xây dựng.

  • Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1

    (Xây dựng) - Gần 42 tỷ đồng là số tiền mà của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dành tặng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại các đảo, Nhà giàn DKI/17 trong chuyến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vừa qua.

  • Hải Phòng: Dập tắt kịp thời đám cháy tại Bệnh viện Nhi Đức

    (Xây dựng) – Trưa 1/5, một vụ cháy xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đức (đường Trường Chinh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Đám cháy được lực lượng chức năng dập tắt kịp thời, không xảy ra thiệt hại về người.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load