Thứ bảy 14/09/2024 20:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

“Xóm gái không chồng”, đất không bìa đỏ ở Quảng Ninh:

Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”

15:00 | 01/03/2023

(Xây dựng) - Bàn tay già nua xoa lên bức tường mủn mục, nứt nẻ của căn nhà tình nghĩa - nơi tá túc của mình, miệng bà chẳng rõ mếu hay cười nói rằng: “Căn nhà này sắp sập đổ nguy hiểm, tôi dỡ ra xây lại nhưng chính quyền không cho, vì đất không có “sổ đỏ””.

Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”
Bà Phạm Thị Sùng ở đây từ năm 1979, đến năm 2004 được Liên đoàn Lao động tỉnh xây nhà tình nghĩa cấp cho ở, nay đất không “sổ đỏ” nhà hỏng không được cấp phép xây dựng lại.

Người phụ nữ trên tên Phạm Thị Sùng, là một trong số chủ nhân của 18 căn nhà được hình thành cách đây 20 năm, do Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh xây dựng tặng cho những chị em công nhân đội thợ rừng Khe Hố, của lâm trường Hoành Bồ có hoàn cảnh khó khăn. Khu nhà tình nghĩa xây dựng tập trung trong một khu rừng như một ngôi làng nhỏ, đối tượng được cấp nhà 100% là chị em phụ nữ không chồng mà có con, nên người địa phương gọi tiếng lóng là “xóm gái không chồng”.

Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”
Bà Phạm Thị Sùng và bà Đặng Thị Ngọ là 2 trong số 3 bà hiện còn cư trú ở “xóm gái không chồng ”.

Bà Đặng Thị Ngọ 70 tuổi, nhận mình là công dân của xóm thợ rừng đặc biệt này bảo, “xóm gái không chồng” có giai thoại bi hùng. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, chiến sự ác liệt, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, hàng vạn thanh niên ưu tú ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ được huy động và xung phong đến vùng rừng Đông Bắc xây dựng 12 lâm trường làm nhiệm vụ mở đường quân sự, vừa sản xuất - vừa chiến đấu với tinh thần mỗi lâm trường là một pháo đài bảo vệ vùng núi biên cương. Những con đường quân sự càng bảo mật bao nhiêu, thì những người mở đường càng thầm lặng và ẩn tích bấy nhiêu. Những chàng trai cô gái dũng cảm còn là những cột mốc sống nơi biên cương rừng sâu núi thẳm, thay thế cho đồng bào thiểu số tản cư xa nơi bom đạn.

Khi biên giới ngừng tiếng súng, một “pháo đài bảo vệ biên cương” gồm trên 1.300 người rời tay cuốc - tay súng hành quân đến vùng rừng Hoành Bồ làm lâm nghiệp. Lực lượng lao động đại đa số là nữ tuổi từ 18-20, nam giới đã ít ỏi lại thuộc diện không đủ thể lực nhập ngũ. Đội sản xuất lâm nghiệp Khe Hố của họ có khoảng 130 lao động thì trên 100 người là phụ nữ, thợ rừng vất vả nhưng vốn là gái Đồng bằng sông Hồng ai cũng tươi tắn, da dẻ trắng trẻo. Khu rừng sản xuất của đội Khe Hố rộng trên 4.000ha, gồm 3 tiểu khu: Tiểu khu 156 và 157 ở xã Hòa Bình, thuộc huyện Hoành Bồ (cũ); tiểu khu 169 ở xã Dương Huy, Cẩm Phả.

Đội Khe Hố ở tít trong rừng sâu, con đường mòn từ Quốc lộ 18b nay là đường tỉnh 326 vào đến lán thợ của họ phải trèo đèo, lội suối nửa ngày đường. Hàng xóm của họ, bên kia dãy núi cao là khe bản Nà Làng của người Dao (Ba Chẽ), bên này vực Thiên Sơn là thôn Thác Cát của người Dao (Hoành Bồ), lân cận nhất là xóm Thày Lùng của người Sán Dìu xã Dương Huy (Cẩm Phả). Từ thôn bản này đến thôn bản kia đường sá trèo đèo lội suối, bất chợt lũ rừng kéo về là giao thông cũng bế tắc.

Các cô gái ngày lên non trồng rừng, chặt tre đốn gỗ, cuối ngày xuống núi toàn là phụ nữ buồn tẻ. Rừng núi hoang vu, lại vắng bóng đàn ông, thiếu nam giới để kết đôi kết lứa. Có chị ở quê đã luống tuổi chưa chồng vì trai làng đến tuổi là tòng quân, tưởng thoát ly làm công nhân để lấy được tấm chồng, ai ngờ vào nghề lâm nghiệp gái nhiều hơn trai càng thêm ế.

Xuân này qua xuân khác, mỗi năm một tuổi đuổi xuân đi, gái thợ rừng khi ấy ai lấy được chồng đồng nghiệp vui như mở cờ; còn người thì lấy chồng người dân tộc thiểu số ở địa phương, người làm lẽ (chui), người bỏ rừng về quê sinh sống… Trên 20 cô gái được xếp vào diện “ế chồng”, ngày qua tháng lại mỗi người một phận éo le…

Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”
Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”
Năm 2004, mỗi doanh nghiệp xây dựng 1 căn nhà 36m2 tặng cho một cô gái không chồng mà có con ở.

Những bà mẹ có con mà không chồng, mỗi người một bi kịch. Người nhẹ dạ gặp lão “Sở khanh” mà “kiếm củi 3 năm thiêu trong một giờ”, có chị tự tìm kiếm đứa con hòng nương tựa tuổi già… Bà Phạm Thị Sùng chia sẻ, nay còn chẳng nhớ tên bố đứa trẻ. Phạm Thị Phái có 2 con, kẻ phụ tình còn lẩn tránh không cho đứa trẻ lấy họ cha, nay chúng trưởng thành vẫn mang họ mẹ. Chị The, chị Nhuần… trót dại 2 lần, 2 đứa trẻ ra đời cảnh ngộ cũng vậy. Khổ nhất là chị Gái, 3 lần sinh đẻ không bàn tay đàn ông giúp đỡ.

Những đứa trẻ được mang thai giữa rừng già khuất nẻo, chúng sinh sống vô cùng khó khăn. Ở rừng lim nước độc người lớn tắm còn rụng tóc, trẻ con ghẻ lở không thuốc thang, có chai cồn i-ốt thuốc hắc lào màu đồng thau của quân y thời chiến bôi cháy da thịt, còn chuyền tay nhau dè sẻn. Nhưng khổ nhất với kẻ vô thừa nhận là không được cấp chế độ lương thực, thực phẩm. Ngày ấy còn gì khổ hơn người “không sổ gạo”, một người sinh ra là gánh nặng cho cả đội sản xuất, bát cơm phải chia sẻ.

Ngày qua tháng lại, lũ trẻ lớn lên theo cây rừng, còn mẹ chúng mỗi năm cây thay lá lại như cằn cỗi, bảng lương ngày ốm nhiều hơn ngày làm. Khi thay đổi cơ chế, đằng sau sự phát triển kinh tế, làng thợ rừng cũng phân hóa kẻ giàu người nghèo. Những túp lều không đàn ông, như nhà không nóc tụt dần về phía sau, mỗi năm một nghèo thêm. Giữa lúc túng bấn ấy, đầu năm 2003 một đoàn cán bộ từ ngoài tỉnh đến thăm đội thợ rừng Khe Hố. Ông Nguyễn Đức Long - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (sau này làm Chủ tịch UBND tỉnh) làm Trưởng đoàn đến từng nhà hỏi han gia cảnh, nguyện vọng định cư...

Bài 1: Bi kịch “xóm gái không chồng”
Đầu ngõ “xóm gái không chồng” dựng bia ghi danh chủ đầu tư dự án và niêm yết danh sách các đơn vị xây dựng nhà tình nghĩa đó.

Theo đó, năm 2004, Đội thợ rừng Khe Hố vui mừng đón các nhà hảo tâm với 18 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 căn nhà theo mẫu thiết kế chung, nhà rộng 36m2, giá trị đầu tư tiền thời điểm ấy 12 triệu đồng một căn hộ, còn kèm theo sào đất vườn cấp cho 18 hộ gái không chồng mà có con. Mỗi căn hộ có gắn biển nhà đầu tư, đầu ngõ còn dựng bia ghi danh chủ dự án là Ban nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh và niêm yết đầy đủ danh sách các đơn vị công đức xây dựng nhà tặng cho nữ công nhân lao động đội trồng rừng Khe Hố. 18 căn nhà quần cư xây bằng gạch nung, mái ngói Giếng Đáy đỏ tươi… là một xóm mới đẹp nhất xã Dương Huy khi ấy.

Đến nay, sau 20 năm, 18 căn hộ diện “mái ấm công đoàn” xây dựng ở Khe Giữa, người di cư theo con cái trưởng thành làm ăn ở xa, người đã về đất buông xuôi, chỉ còn sót lại 3 hộ là: Đặng Thị Ngọ, Phạm Thị Phái, Phạm Thị Sùng. Bà Phạm Thị Sùng định cư ổn định trên thổ đất này từ năm 1979 (tức trước năm 1993 khi Luật Đất đai ra đời) và căn nhà tình nghĩa do Liên đoàn Lao động tỉnh xây tặng năm 2004, nhà đất chẳng tranh chấp với ai mà không có sổ đỏ, nay nhà hư hỏng không được cấp phép xây dựng lại. Bà Phạm Thị Sùng cho biết, đã nhiều năm đệ đơn xin cấp bìa đỏ mà chưa được. Nhìn bà Phạm Thị Sùng, người phụ nữ bất hạnh năm nào, nay lại rơi vào cảnh “yếu thế” mà thấy thật xót lòng.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load