Chủ nhật 03/11/2024 00:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bắc Ninh: Quyết tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm

09:45 | 19/02/2024

(Xây dựng) - Tại dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung cao nhất trong gỡ vướng về mặt bằng, đảm bảo tiến độ chung cho toàn dự án.

Bắc Ninh: Quyết tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án trọng điểm quốc gia ngành Giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 9.

Theo báo cáo tại Phiên họp thứ 9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án trọng điểm quốc gia ngành Giao thông vận tải chủ trì, hiện cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia trọng điểm ngành Giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ.

Tại Phiên họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Theo Thủ tướng, cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…

Thủ tướng khẳng định: “Mỗi công trình giao thông đều mang sứ mệnh riêng, chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu chung lại đều rất quan trọng và là đột phá chiến lược. Và càng khẳng định việc Đảng, Nhà nước xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, là yếu tố quyết định cho sự phát triển trước mắt và lâu dài”.

Bắc Ninh: Quyết tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bắc Ninh.

Báo cáo tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, đến nay dự án thành phần 1.3 đã thu hồi đất nông nghiệp đạt 94% và hoàn thành việc di chuyển mộ trí nghĩa trang. Đối với dự án thành phần 2.3 gói thầu số 14 đã bố trí 7 mũi thi công, gói thầu số 15, 16 phấn đấu thi công trong quý I/2024.

UBND tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng quy trình thực hiện bổ sung nhân lực thực hiện công tác thẩm định giá đất cụ thể đối với đất ở để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của dự án thành phần 1.3; đồng thời yêu cầu Ủy ban nhân dân thị xã Thuận Thành sớm phê duyệt phương án bồi thường các phạm vi còn lại để có đường tiếp cận và triển khai thi công.

Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Quá trình triển khai các dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận rất cao của Quốc hội, chúng ta đã đề xuất và những khó khăn về pháp lý cơ bản được tháo gỡ; các Bộ, ngành, địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường các dự án đã có nỗ lực rất lớn; đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng, tạo phong trào, xu thế phát triển hạ tầng trên cả nước.

Về các nhiệm vụ tổng thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương phải triển khai chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá hạ tầng, thành sản phẩm cụ thể, đạt mục tiêu đề ra, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Việc giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.

Bắc Ninh: Quyết tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm
Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài tuyến 35,3km (ảnh: Trọng Hiếu).

Xác định rõ, định hướng để thực hiện, nếu 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt thì năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các dự án căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được giao, các cam kết, thỏa thuận đã có, với yêu cầu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật các dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đặc biệt đến việc làm, sinh kế, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội cho người dân tại nơi tái định cư các dự án, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có dự án trọng điểm Vành đai 4 đi qua, chủ đầu tư nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung cao nhất trong gỡ vướng về mặt bằng di chuyển hạ tầng điện, nước, xây dựng khu tái định cư đảm bảo tiến độ cho toàn dự án.

Tổng vốn đầu tư dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh là 5.210 tỷ đồng, trong đó 2.480 tỷ đồng sẽ dùng để giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và 2.629 tỷ đồng để đầu tư tuyến đường 2 bên.

Dự kiến nguồn vốn của dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh sẽ gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng là 2.110 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Bắc Ninh là 3.100 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2022 - 2027, phân kỳ đầu tư giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 khoảng 2.000 tỷ đồng. Bắc Ninh đề nghị Chính phủ cho tỉnh vay lại vốn trái phiếu chính phủ, ODA, nguồn hợp pháp khác và cam kết trả nợ theo đúng quy định).

Giai đoạn trung hạn 2026 - 2030 khoảng 1.100 tỷ đồng.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load