(Xây dựng) - Ngay sau khi bão tan, tỉnh Bắc Ninh đã đồng loạt triển khai công tác khắc phục hậu quả. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các lực lượng chức năng, đoàn thể và người dân đã chung tay khắc phục thiệt hại, nhằm sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi chỉ đạo các địa phương cùng các đơn vị nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân. |
Nhanh chóng ổn định, vượt khó sau bão
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, tính đến sáng 9/9, theo thống kê sơ bộ, cơn bão Yagi đã khiến 7 người bị thương, 16 công trình kiên cố bị sập, 3.329 nhà cấp 4, công trình phụ nhà dân bị tốc mái. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các huyện: Gia Bình, Lương Tài và thị xã Quế Võ.
Các trường học, chợ dân sinh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 80 công trình hư hỏng. Trong đó: Yên Phong 2 công trình; Quế Võ 7 công trình; Thuận Thành 17 công trình, Lương Tài 34 công trình; Từ Sơn 2 công trình, Tiên Du 10 công trình; Gia Bình 8 công trình. Về nông nghiệp, gần 10.000ha lúa và gần 2.300ha hoa màu bị thiệt hại. Hơn 180.981m2 nhà lưới sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Bão số 3 khiến 31.860 cây xanh bị đổ, gãy. |
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại gần 32.000 cây xanh bị đổ, gãy ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường; 129 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Đặc biệt, đáng báo động nhất là thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của tỉnh. Nhiều tuyến đường bộ, cầu và hệ thống thủy lợi bị hư hại. Trong đó, sông Ngũ Huyện Khê - một tuyến đường thủy quan trọng, đã bị xói mòn, đe dọa sự ổn định của các địa phương lân cận.
Điện lực Bắc Ninh được huy động tổng lực để khắc phục sự cố lưới điện. |
Hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với 7 đường dây 110kV gặp sự cố không thể vận hành, 1 trạm biến áp 110kV mất điện tại Khu công nghiệp Quế Võ 2. Ngoài ra, 127/280 đường dây trung áp bị sự cố (trong đó 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp và 104/150 đường dây cấp cho dân sinh), 353 cột điện bị đổ và 2 trạm biến áp bị cháy, hư hỏng.
Tình trạng mất điện kéo dài tại nhiều khu vực, đặc biệt là gần như toàn bộ huyện Lương Tài, Gia Bình, một số xã/phường ở thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Thuận Thành, Quế Võ và một số khu vực khác. Nhiều nơi vẫn chưa có điện kể từ ngày 7/9.
Mạng lưới viễn thông – công nghệ thông tin Bắc Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão: 137 trạm phát sóng bị mất điện, dẫn đến gián đoạn dịch vụ di động tại nhiều khu vực; khoảng 2652 thuê bao internet mất kết nối do đứt cáp và mất điện; 2 cột ăng ten bị gãy đổ, may mắn không gây thiệt hại về người; 102 cột bê tông treo cáp bị gãy đổ, nhiều tuyến cáp bị cây đổ đè lên, tiềm ẩn nguy cơ mất liên lạc.
Tình trạng này đang gây khó khăn cho việc liên lạc và trao đổi thông tin của người dân, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác khắc phục hậu quả sau bão. Các đơn vị chức năng đang nỗ lực khắc phục sự cố để sớm ổn định tình hình.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 229 tham gia khắc phục hậu quả sau bão. |
Sau khi kiểm tra khẩn cấp các khu vực bị ảnh hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết, tỉnh đang tập trung vào việc khôi phục các dịch vụ thiết yếu và cứu trợ các hộ gia đình bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng đã triển khai hoạt động dọn dẹp và sửa chữa trên diện rộng với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ. Các nỗ lực đang được tiến hành để khôi phục nguồn điện, sửa chữa đường sá và các công trình bị hư hỏng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã huy động 151/487 máy bơm để tập trung tiêu úng và tiêu nước đệm, đồng thời UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành các Công điện chỉ đạo ứng phó với thiên tai; thành lập nhiều Đoàn kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3; chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương khắc phục sự cố về lưới điện, viễn thông và hệ thống công trình thủy lợi. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo hoạt động của các trạm bơm tiêu nước đệm, thông tin liên lạc, từ đó phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Hơn 7.000 chiến sĩ Công an, đoàn viên thanh niên tham gia khắc phục hậu quả do bão. |
Tình quân - dân đoàn kết
Nhằm nhanh chóng ổn định sinh hoạt cho người dân sau bão, Công an tỉnh Bắc Ninh đã cấp tốc huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, tổ chức rà soát, cảnh báo và hỗ trợ người dân. Đồng thời, lực lượng này cũng đã thành lập 4 tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc công tác phòng, chống bão.
Với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân, Công an Bắc Ninh đã tổ chức 9 tổ công tác gồm các lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Công an các đơn vị, địa phương, xuyên đêm, dầm mình dưới mưa bão để khắc phục hậu quả. Dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các cán bộ chiến sĩ vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Công an tỉnh Bắc Ninh huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, bám sát địa bàn, tổ chức rà soát, nhằm nhanh chóng ổn định sinh hoạt cho người dân sau bão. |
Đóng góp vào nỗ lực chung, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã huy động đông đảo lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả. Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Văn Đăng cho biết, để chủ động ứng phó với bão, Tỉnh đoàn đã thành lập 126 Tổ phản ứng nhanh với 422 đội hình thanh niên tình nguyện, thu hút sự tham gia của 5.227 đoàn viên. Các đội hình này đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào việc khắc phục hậu quả sau bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: "Chúng tôi sẽ không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Toàn tỉnh sẽ đồng lòng, chung sức, quyết tâm xây dựng Bắc Ninh tươi đẹp hơn".
Nguyên Khánh
Theo