(Xây dựng) - Được đầu tư giá trị bằng gần 50% ngân sách địa phương, nhưng sau khi lắp đặt vẫn còn những thiết bị y tế hiện đại, giá trị nhiều chục tỷ đồng phải cất trong kho dẫn đến hỏng hóc và đã hết cả thời gian bảo hành.
Phòng chụp cộng hưởng từ đã được lắp máy bên trong nhưng đơn vị cung ứng khóa cửa, niêm phong.
Câu chuyện lạ lùng và có thật trên đã và đang diễn ra tại tỉnh Bắc Kạn. Để có thể “mục sở thị”, chúng tôi tới Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đặt vấn đề, nhưng đại diện đơn vị cho hay hai thiết bị y tế hiện đại là hệ thống chụp mạch Angio một bình diện cảm biến phẳng và hệ thống chụp cộng hưởng từ mà PV quan tâm sau khi lắp đặt xong đơn vị cung ứng đã khóa cửa, niêm phong phòng chứa máy. Hiện giờ, kể cả Ban Giám đốc Bệnh viện cũng không được phép “ngó ngàng” vào.
Quan sát của PV cho thấy: Hai phòng máy rộng nằm trong khoa Chẩn đoán hình ảnh với biển phòng Chụp cộng hưởng từ và Chụp mạch cửa khóa im ỉm.
Theo các bác sỹ ở đây cho biết: “Trước đây, để đưa được hai thiết bị khá lớn này vào, đơn vị cung ứng và chủ đầu tư đã phải phá bỏ một bức tường, sau đó xây lại”.
Mặc dù chưa được bàn giao, sử dụng nhưng hằng ngày, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn vẫn phải chạy hệ thống điều hòa để bảo vệ các trang thiết bị đắt tiền này. Người nghèo đến khám, chữa bệnh có yêu cầu phải chẩn đoán hình ảnh, nếu không có điều kiện lên tuyến trên, đành chấp nhận chụp cắt lớp dù phương pháp chụp này không chính xác bằng chụp cộng hưởng mà lại gây hại sức khỏe.
Bên cạnh việc chưa có hai thiết bị y tế trên để sử dụng, đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viện cũng cho rằng những thiết bị y tế đã được bàn giao, sử dụng dù là mới nhưng đã quá lạc hậu so với thời điểm được trang bị. Thí dụ, máy chụp CT của bệnh viện chỉ có khả năng chụp 32 dãy, trong khi cùng thời điểm trang bị nhiều máy đã chụp tới hàng trăm dãy. Hoặc thiết bị mổ nội soi tán sỏi hiện đại có một đầu dò trong đó vừa có thể chiếu tia, vừa phun nước rửa đồng thời thì thiết bị của đơn vị vẫn phải dùng hai đầu dò khác nhau làm giảm khả năng phẫu thuật, tán sỏi chính xác.
Về nguyên nhân 2 thiết bị y tế có giá trị tới vài chục tỷ đồng “đắp chiếu” từ năm 2016 đến nay không thể sử dụng, theo lý giải của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn (Ban QLDA) là do lúng túng về quy trình, thủ tục, trình tự các bước trong công tác thẩm định danh mục, cấu hình, thông số kỹ thuật, thẩm định dự toán đã dẫn tới kéo dài thời gian. Vì vậy, khi thực hiện xong các thủ tục mua sắm thiết bị y tế thì nguồn vốn giao giai đoạn 2010-2015 còn hơn 45 tỷ đồng đã hết hạn thanh toán, không cho phép chuyển nguồn.
Như vậy, việc thiếu trách nhiệm trong triển khai thủ tục, trình tự mua sắm gói thầu thiết bị y tế đã khiến tỉnh Bắc Kạn vi phạm hợp đồng với đơn vị cung ứng.
Ngày 11/3/2019, đại diện Cty CP thương mại kỹ thuât Việt Nam đã có văn bản gửi tỉnh Bắc Kạn đề nghị chủ đầu tư thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng 11/2016/HĐCC-LĐTB (giữa Ban QLDAvà Liên danh Cty CP Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Cty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát - Cty TNHH thiết bị Minh Tâm) về gói thầu số 32: Cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế dự án Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn với số tiền là gần 30 tỷ đồng.
Tại Báo cáo gửi UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 9/7/2019, Giám đốc Ban QLDA tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo về 2 trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Đến ngày 30/6/2016 Ban QLDA đã tổ chức bàn giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh 189/191 thiết bị y tế để đưa vào khai thác, sử dụng; còn 02 trang thiết bị y tế là Hệ thống chụp mạch Angio một bình diện cảm biến phẳng và Hệ thống cộng hưởng từ, do khó khăn về nguồn vốn để trả nợ nhà thầu theo hợp đồng nên nhà thầu chưa chuyển giao công nghệ và bàn giao 2 thiết bị trên đưa vào khai thác sử dụng.
Từ 30/12/2016 đến 20/3/2019 nhà thầu cung cấp trang thiết bị đã thực hiện công tác bảo trì, bảo hành theo quy định của hãng sản xuất, đúng trách nhiệm theo quy định của hợp đồng đã ký kết.
Ngày 02/7/2019 Cty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát có Văn bản số 116/2019-CV-DP thông báo lỗi hỏng của hệ thống cộng hưởng từ. Theo đó, Hệ thống cộng hưởng từ đã hết thời gian bảo hành của hãng GE từ ngày 20/03/2019 và hiện tại hệ thống cũng đang báo lỗi phần cổng mạng trên monitor của khối từ.
Báo cáo gửi UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 9/7/2019
Tại Báo cáo gửi UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 9/7/2019, Giám đốc Ban QLDA tỉnh Bắc Kạn Mã Văn Thịnh kiến nghị UBND tỉnh Bắc Kạn sớm bố trí nguồn vốn để trả nợ khối lượng, sớm đưa hai thiết bị này vào sử dụng.
Có thể thấy: Việc tỉnh Bắc Kạn chậm trễ đưa các thiết bị y tế hiện đại vào sử dụng ngoài việc khiến cho người bệnh chịu thiệt thòi, còn phát sinh thêm nhiều vấn đề phải xử lý khác. Đó là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào khi để thiết bị y tế 3 năm không sử dụng, ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị khi không sử dụng đã hết bảo hành?
Đặc biệt, nếu so số thu ngân sách một năm của cả tỉnh Bắc Kạn (khoảng 600 tỷ đồng) với khoản tiền mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa (lên tới gần 300 tỷ đồng), mới thấy hết ý nghĩa, hậu quả của việc có những thiết bị giá trị nhiều chục tỷ sau nhiều năm lắp đặt vẫn không thể sử dụng, lãng phí như thế nào.
Thế nhưng, câu chuyện lỗi tại ai dường như đã và đang được tỉnh Bắc Kạn “cho qua”?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Nguyên Nhân
Theo