Chủ nhật 03/11/2024 02:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Sức khỏe /

Bắc Giang: Cần chuẩn bị gì để đưa vào hoạt động trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19?

22:37 | 02/06/2021

(Xây dựng) – “Xây dựng trung tâm hồi sức tích cực với dự toán kinh phí khoảng 300 tỷ đồng lúc này là thách thức quá lớn cho Bắc Giang. Vì vậy, điểm mới trong phương án phòng, chống Covid-19 lần này tại Bắc Giang không chỉ điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, cơ sở y tế, mà Bộ phận thường trực còn phải triển khai thiết lập các cơ sở thu dung điều trị ban đầu đặt tại các trường cao đẳng, Trung tâm Điều dưỡng người có công… nhằm đáp ứng số lượng ca nhiễm tăng nhanh tại Bắc Giang” - ThS. BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

bac giang can chuan bi gi de dua vao hoat dong trung tam hoi suc tich cuc dieu tri benh nhan nang nhiem covid 19
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

PV: Là người phụ trách trực tiếp hỗ trợ công tác điều trị tại Bắc Giang, xin ông cho biết đặc tính của biến chủng virus lần này và người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ gặp những nguy hiểm như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Qua theo dõi các trường hợp mắc Covid-19 tại Bắc Giang, đến thời điểm này có hơn 2.600 trường hợp mắc và đang được thu dung, theo dõi, điều trị tại 15 khu cách ly, điều trị. Đến nay, đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh có hơn 50 ca bệnh diễn biến tăng nặng phải theo dõi liên tục, trong đó có 36 bệnh nhân đang phải thở oxy, 7 bệnh nhân thở máy không xâm nhập, 8 bệnh nhân thở máy/lọc máu tại đơn vị hồi sức tích cực, 2 bệnh nhân chạy ECMO.

Đặc biệt trong đợt này chúng tôi thấy, biểu hiện lâm sàng của các bệnh khác với đợt dịch có các biến chủng trước. Cụ thể là ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, chỉ cần từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi. Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi chứ không chỉ ở người cao tuổi và có bệnh nền như trước. Vì vậy, công tác điều trị cũng đòi hỏi phải đặt ra bài toán ứng phó, đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.

PV: Trước diễn biến tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, Bộ Y tế đã có những giải pháp gì về công tác điều trị và phân luồng bệnh nhân? Đặc biệt là các ca bệnh nặng?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Với trường hợp có bệnh nền hoặc người cao tuổi có sức khỏe chúng tôi đưa vào các cơ sở điều trị là các bệnh viện dã chiến đã được thiết lập. Trong tình hình số lượng bệnh nhân lớn mà số ca nặng dự báo sẽ tăng, bắt buộc chúng tôi phải đưa ra giải pháp phân tuyến phù hợp.

Hiện tỉnh Bắc Giang có 2 đơn vị hồi sức tích cực đang tiếp nhận những ca nặng là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi với 58 giường.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động đơn vị hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang dự kiến bắt đầu hoạt động từ ngày 5/6/2021. Khi hoàn thiện, đây sẽ là đơn vị hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc với 101 giường.

Ngoài ra, với những trường hợp ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng, chúng tôi chuyển đến cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19. Những cơ sở này được tận dụng từ ký túc xá của trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn và cơ sở Trung tâm chăm sóc người có công. Ngoài ra, còn một số cơ sở khác sẽ được thiết lập để đáp ứng tình hình dịch trên địa bàn. Các bệnh nhân được theo dõi sức khỏe và sẽ điều chuyển nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đến các bệnh viện để điều trị.

PV: Vậy song song với đó, việc phân bổ đội ngũ y bác sĩ và lực lượng chăm sóc bệnh nhân đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, tiểu ban điều trị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang đã tham mưu, phối hợp với các đơn vị tại địa phương thiết lập 15 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân và đang hoạt động 14/15 khu với công suất dự kiến 4.197 giường. Với những cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19, chúng tôi giao cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong toàn tỉnh như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phục hồi chức năng…

Cùng với đó, Bộ Y tế đã huy động lực lượng chi viện từ các bệnh viện trên khắp cả nước để cùng với y tế địa phương tham gia vào thu dung, theo dõi, điều trị tại các cơ sở điều trị như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương,… Bên cạnh đó là sự vào cuộc nhanh chóng của hệ thống bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng (Bệnh viện 103, Bệnh viện 110), Bộ Công an (Bệnh viện 198, Bệnh viện Y học cổ truyền) và các bệnh viện từ các tỉnh thành (Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hưng Yên…) cùng đội ngũ sinh viên từ các trường y dược khắp cả nước.

Đặc biệt, các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng như Bệnh viện Phổi với 58 giường hồi sức tích cực được giao cho đội ngũ các bác sỹ, chuyên gia tinh nhuệ của Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp điều trị; trung tâm hồi sức tích cực thứ 2 đặt tại Bệnh viện Tâm thần với 100 giường sẽ do đội ngũ y bác sĩ chi viện của Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị…

bac giang can chuan bi gi de dua vao hoat dong trung tam hoi suc tich cuc dieu tri benh nhan nang nhiem covid 19
Ông Nguyễn Trọng Khoa (người ngồi) trao đổi với TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai về thiết kế thiết lập trung tâm hồi sức tích cực ICU.

PV: Thưa ông, để chuẩn bị đưa vào hoạt động trung tâm hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân nặng thì chúng ta đã có những gì và sẽ cần những gì?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Xây dựng trung tâm hồi sức tích cực lớn như vậy là vô cùng tốn kém, dự toán kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quá lớn đối với địa phương trong thời điểm chống dịch gấp gáp này.

Tất cả các hệ thống thiết bị, máy móc, vật tư cho Trung tâm vận hành đều rất đắt tiền. Từ hệ thống đường điện chính và dự phòng, hệ thống oxy khí nén... cho đến hệ thống khử khuẩn - diệt khuẩn, hệ thống camera giám sát, rồi hệ thống thông tin liên lạc. Riêng hệ thống khử khuẩn diệt khuẩn với một số thiết bị như diệt khuẩn hơi nước, diệt khuẩn bằng nhiệt độ thấp tính ra cũng rơi vào khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Đặc biệt, trang thiết bị y tế chuyên sâu dành cho mỗi giường hồi sức cấp cứu thì rất nhiều tiền.

Hiện nay, đã có một vài doanh nghiệp tài trợ một phần trong tổng dự toán kinh phí, một số hạng mục tỉnh sẽ phải tự lo. Ví dụ như hệ thống khử khuẩn diệt khuẩn, một số trang thiết bị y tế thì tỉnh đang lên phương án tìm kiếm các nguồn lực để bổ sung, hoàn thiện thêm.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các lực lượng y tế đã và đang hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở Bắc Giang, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ đang tham gia vào quá trình thu dung và điều trị bệnh nhân?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Hiện chúng tôi đã phải điều động lực lượng tinh nhuệ nhất từ bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, phối hợp với các bệnh viện y tế ngành cùng một số bệnh viện tỉnh, thành khác được huy động hỗ trợ Bắc Giang. Về lực lượng này, chúng tôi tuyển chọn các bác sĩ hồi sức cấp cứu có khả năng lọc máu để dự phòng trường hợp có nhiều bệnh nhân lọc máu, chạy máy ECMO. Với sự huy động tham gia của đội ngũ tinh nhuệ này, tôi tin rằng việc điều trị sẽ đạt hiệu quả tối ưu nhất đối với các trường hợp bệnh nhân nặng.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Bài: Bắc Giang cần chuẩn bị gì để đưa vào hoạt động trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19? tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Yến Mai (Thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load