Thứ ba 19/03/2024 17:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bão giá là thách thức và cơ hội để nhận ra nhà thầu có năng lực

15:40 | 12/08/2022

(Xây dựng) - Ngày 12/8, Báo Giao thông đã tổ chức cuộc tọa đàm Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt "bão giá" dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

ba o gia la thach thuc va co hoi de nhan ra nha thau co nang luc
Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: Báo Giao thông).

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề “bão giá” vật liệu xây dựng tại các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam. Sau khi liên tiếp tăng phi mã và lập đỉnh mới, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp can thiệp về thuế, phí nên giá xăng dầu đã giảm nhiệt. Giá hàng hóa nói chung và nguyên vật liệu xây dựng tới đây cũng sẽ giảm theo.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Năm 2007, 2008 đã gặp “bão giá” vật liệu xây dựng nặng nề. Thời đó, giải pháp quyết liệt và thành công là Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng - lúc đó là Bộ Xây dựng ra một Nghị quyết đặc biệt điều chỉnh khoảng 7 - 8 loại giá vật liệu quan trọng để gỡ khó khăn cho nhà thầu. Nhà thầu muốn làm thì phải có tích luỹ. Muốn tích luỹ thì phải tổ chức khoa học trên công trường, làm rất nhiều việc để đưa dự án về đích sớm nhất, từ đó có lợi nhuận nhất định để tái đầu tư vào trang thiết bị kỹ thuật, tái đầu tư vào con người.

Khi gặp vật tư vật liệu khó khăn, đơn giá phải bù vào đã đành, tiến độ lại chậm. Đây là hình ảnh rõ ràng khiến nhà thầu không thể tái đầu tư để mình thực sự vươn lên. Một số tập đoàn xây dựng mạnh của giao thông những năm trước đây hiện nay không còn bóng dáng mà đã xuất hiện nhà thầu khác. Nguyên nhân vì sao? Có phải đây đều là những công ty năng lực có hạn hay ảnh hưởng những vấn đề khác? Chính là khó khăn quá nhiều, nhà thầu làm nhưng giá cả thay đổi, tăng rất nhiều. Ký hợp đồng vật liệu 10 nghìn nhưng giá hiện tại 15 nghìn. Lấy 5 nghìn ở đâu ra để bù lại? Từ đây, nhà thầu không có khả năng tích tụ, nâng cao năng lực.

Nhiều nhà thầu thời gian qua không đầu tư thiết bị mới. Chuyên gia giỏi không còn thấy giao thông hấp dẫn và họ tìm những nơi khác có điều kiện thu nhập cao hơn để làm. Tôi nghĩ những đơn vị mạnh của ngành Giao thông vừa qua suy giảm sức lực cạnh tranh thì nguồn gốc chính là không có điều kiện, cơ hội để tăng nguồn lực con người, trang thiết bị để tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hiện nay.

ba o gia la thach thuc va co hoi de nhan ra nha thau co nang luc
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm (Ảnh: Báo Giao thông).

Theo chia sẻ của ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4, thời gian vừa qua, giá nhiên liệu liên tục giảm với 3 đợt giảm sâu, việc này rất kịp thời và có tác động rất lớn cho nhà thầu, tạo niềm tin và hy vọng về sự điều hành của Chính phủ, hy vọng về việc giá vật tư, vật liệu nhờ giá nhiên liệu giảm mà cũng sẽ đỡ áp lực hơn.

Tuy nhiên, kỳ vọng giảm giá nguyên vật liệu rất khó. Cienco 4 đang thực hiện thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cao tốc Bắc - Nam. Mới đây, đơn vị còn phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm vật liệu. Một số mỏ các nhà thầu phải tranh nhau mua nguyên vật liệu trong khi lại bị ép tiến độ thi công, các nhà cung cấp vật liệu nhân cơ hội đó cũng không giảm giá. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến vật liệu tăng giá do lực lượng chức năng siết quy định tải trọng xe.

Vấn đề khan hiếm vật liệu, báo chí đã đưa tin rất nhiều, cũng có nhiều cuộc trao đổi, các địa phương cũng bàn giải pháp nhưng đến nay chưa có hiệu quả. Cần phải có biện pháp tháo gỡ quyết liệt hơn. Vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước lại giao cho một số chủ mỏ, nếu giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam không có cách làm tốt cũng sẽ bị vỡ trận. Thời gian vừa qua đã có chỉ đạo rất quyết liệt, một số mỏ đã cấp cho một số nhà thầu nhưng thực tế vẫn chưa khai thác được.

Điển hình như đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, các bộ ngành chỉ cần điểm danh địa phương cung cấp bao nhiêu mỏ, đến nay khai thác được bao nhiêu, thời gian từ khi bắt đầu chấp thuận đến nay đã qua bao lâu rồi? là biết được cần phải rút thủ tục ở khâu nào. Về thủ tục để được khai thác một mỏ vật liệu mất cả 1 năm trời. Trong khi đó, thời gian để thi công dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ hơn 2 năm, thời gian cấp phép mỏ dài như thế sẽ gây khó khăn cho nhà thầu.

ba o gia la thach thuc va co hoi de nhan ra nha thau co nang luc
Nhiều nhà thầu thi công tại các công trình giao thông đang gặp khó.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch – Kỹ thuật Tập đoàn Đèo Cả cung cấp thêm: Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 và do những chính sách của chúng ta nên đã hạn chế được một số tác động, tuy nhiên, dịch bùng phát mạnh vào khoảng cuối năm 2020. Đây cũng là thời điểm chúng tôi ký kết các hợp đồng cao tốc như Mai Sơn – Quốc lộ 45 (10/2020), Nghi Sơn - Diễn Châu (tháng 6/2021).

Tình hình “bão giá” vật liệu xây dựng bắt đầu khoảng từ quý I/2021. Thời điểm chúng tôi lập giá dự thầu của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, giá thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Đến cao điểm khoảng 4/2022, giá thép đã lên tới 20.000 đồng/kg. Hiện nay, đã giảm nhẹ vẫn còn 18.000 đồng/kg, cộng cả hợp đồng gốc với sự trượt giá do các địa phương công bố vẫn chưa thể bù đắp được, chưa đảm bảo được con số 18.000 đồng/kg chúng tôi phải mua.

Tựu chung lại, không những thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18-30% so với hợp đồng gốc. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia với vai trò nhà đầu tư tại cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tại đây, còn khó khăn rất nhiều là do các nhà thầu được điều chỉnh giá, tuy nhiên với vai trò là nhà đầu tư, số tiền Nhà nước tham gia hỗ trợ lại là con số là cố định.

Ngược lại, trong bài tính toán của Nhà nước vào thời điểm mời thầu thì số trượt giá của dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ là 3,86%. Nghĩa là sử dụng con số trượt giá của 4 năm 2016 đến 2019. Đây lại là giai đoạn ít biến động, con số cố định và thấp nên chúng tôi lại gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những nhà thầu thể hiện tiềm lực tài chính, cơ chế phù hợp quản lý doanh nghiệp phù hợp.

Tại đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chúng tôi đã giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, giúp tiết kiệm cho Nhà nước. Vậy cũng có thể nói, “bão giá” là thách thức và cơ hội để nhận ra nhà thầu có năng lực, đáng tin cậy.

ba o gia la thach thuc va co hoi de nhan ra nha thau co nang luc
“Bão giá” là thách thức và cơ hội để nhận ra nhà thầu có năng lực, đáng tin cậy (Ảnh: Internet).

Ông Nguyễn Trung Sơn - Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết: Đầu 2022, giá thép đã tăng theo chiều thẳng đứng, ảnh hưởng lớn đến công trình bê tông cốt thép.

Giá thép vừa kịp bình ổn lại đến xăng dầu tăng phi mã trong khi với công trình cầu đường, đây là yếu tố ảnh hưởng tới tất cả hoạt động. Chỉ tính việc duy trì sinh hoạt của anh em ở công trường đã tốn thêm chi phí, chưa kể tới các phương tiện vận chuyển vật liệu, máy móc chuyên dụng như xe lu, máy ủi… đều cần xăng dầu. Về cơ bản, khi tham gia vào dự án Bắc - Nam, nhà thầu đều đã chuyên nghiệp nhưng vì những khó khăn quá lớn kể trên, nên cũng khó có thể tránh được ảnh hưởng.

Nhưng với 2 dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây mà Ban Quản lý dự án Thăng Long đang thực hiện cùng các nhà thầu Đèo Cả, CIENCO 4, chúng tôi đã phải tìm đủ mọi cách như đẩy nhanh tiến độ thanh toán, triển khai cùng lúc hai thủ tục hợp đồng điều chỉnh giá đi kèm trượt giá. Tuy chưa kịp với biên độ giá nhưng cũng phần nào gỡ được phần tài chính, kịp thời đưa vật liệu về công trường..

Về tiến độ, rõ ràng đến nay cả 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 đều đã chậm mà nguyên nhân có phần do “bão giá”. Việc của chúng tôi là phải tổ chức cho khoa học.

Khi nguồn vật liệu dồi dào, dòng tiền đầy đủ, chúng ta phải tổ chức thi công đồng loạt ở tất cả mũi. Hiện tại, do vật liệu khó khăn, đang mùa mưa thì phải dồn lực tổ chức vật liệu, tổ chức thi công ở những phần phù hợp.

Trao đổi về vấn đề chỉ số giá riêng cho công trình cao tốc và cơ chế đặc thù để điều chỉnh giá để tăng lực cho nhà thầu, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng nhận xét: Hiện nay, pháp luật xây dựng có 2 nhóm chỉ số giá xây dựng. Một là nhóm chỉ số giá do địa phương công bố, bao gồm nhóm theo từng loạt công trình dân dụng, giao thông, nông nghiệp... hay theo nhóm chi phí hoặc nhóm vật liệu. Các địa phương công bố để sử dụng chung. Thường nhóm chỉ số giá này để xác lập chi phí, tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu là chủ yếu.

Còn nhóm chỉ số giá thứ 2 được quy định rất kỹ trong pháp luật về chi phí và hợp đồng là Chỉ số giá xây dựng công trình được xây dựng phù hợp cho công trình, gói thầu, cho hợp đồng để điều chỉnh hợp đồng.

Việc sử dụng chỉ số giá nào phải phụ thuộc vào hồ sơ mời thầu và thỏa thuận hợp đồng. Nếu hợp đồng quy định sử dụng chỉ số giá địa phương công bố thì trong quá trình thực hiện hợp đồng phải sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố để điều chỉnh hợp đồng. Ví dụ, công trình giao thông phải sử dụng nhóm chỉ số giá địa phương công bố về công trình giao thông. Nếu trong hợp đồng thỏa thuận sử dụng chỉ số giá công trình để điều chỉnh hợp đồng. Khi đó, chủ đầu tư tổ chức xây dựng chỉ số giá riêng phù hợp với nội dung, tính chất của hợp đồng đó.

Phương pháp đã được quy định kỹ ở Thông tư Bộ Xây dựng ban hành về trình tự thủ tục. Chủ đầu tư tổ chức xác định như thế nào, trước khi đưa vào để điều chỉnh hợp đồng, đối với công trình trên địa bàn một tỉnh thì thế nào, công trình liên tỉnh ra sao cơ bản đã đầy đủ. Lựa chọn chỉ số nào để điều chỉnh hợp đồng thì phải dựa vào hồ sơ mời thầu và thoả thuận trong hợp đồng là chủ yếu.

ba o gia la thach thuc va co hoi de nhan ra nha thau co nang luc
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Thay mặt Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ông Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn một quy trình từ chính sách đến thực tiễn nhanh nhất, cố gắng thực tiễn phản ánh chính sách, và chính sách lắng nghe thực tiễn để cuối cùng chính sách được đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, không phải nhanh mà ẩu, cần tìm con đường đi phù hợp nhất. Mong rằng cơ quan chức năng, các bộ ngành có những tháo gỡ lâu dài cho các doanh nghiệp, nhanh chóng đưa chính sách vào hiện thực.

Về việc ban hành chỉ số giá chung hay chỉ số giá cho từng vùng, theo quy định, Bộ Xây dựng xác định Chỉ số giá xây dựng quốc gia, có quy định cho từng vùng, từng khu vực. Cuối năm 2021, Bộ Xây dựng đã công bố Chỉ số giá xây dựng quốc gia. Tuy nhiên, Chỉ số này chỉ phục vụ cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô cũng như công tác xác định chi phí đầu tư xây dựng chung. Chỉ số giá này mà áp dụng cụ thể vào từng công trình thì chưa xác thực. Để áp dụng với từng hợp đồng, từng gói thầu cần đánh giá trên cơ sở các yếu tố đặc thù của công trình. Ví dụ như tỷ trọng vật liệu, tỷ trọng nhân công, máy thi công của từng gói thầu khác nhau. Khi áp dụng chỉ số giá chung chỉ nên để làm dự trù kế hoạch, dự trù kinh phí chứ không thể áp dụng vào hợp đồng mà dễ dẫn đến sai lệch. Thời điểm bình ổn giá thì không sao nhưng biến động giá như thời gian qua thì những chỉ số giá đấy sẽ chưa phản ánh đúng hết mà sẽ ảnh hưởng việc thực hiện hợp đồng.

Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng tại Văn bản 3102, có 2 nội dung kiến nghị. Với các hợp đồng đã ký trọn gói, đơn giá cố định, theo quy định hiện hành chỉ được điều chỉnh trong trường hợp “bất khả kháng” (theo Điều 143 Luật Xây dựng) hoặc “hoàn cảnh thay đổi” (theo Điều 420 Luật Dân sự). Trong đó, các tiêu chí về bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi tại văn bản quy phạm pháp luật không định lượng, quy định cụ thể “biến động giá vật liệu xây dựng” là trường hợp bất khả kháng hay hoàn cảnh thay đổi.

Để sửa đổi, cụ thể hóa các quy định trên tại các Luật có liên quan sẽ cần thời gian. Đây là giải pháp lâu dài, cần nghiên cứu xác định tiêu chí cụ thể để xác định trường hợp nào thì thuộc “bất khả kháng”, trường hợp nào thì thuộc “hoàn cảnh thay đổi”. Đối với mức độ biến độ giá bao nhiêu thì thuộc các quy định trên. Đây là giải pháp lâu dài, còn giải pháp cụ thể thực hiện nay thì chúng tôi cũng cần có số liệu cụ thể hợp đồng dự án. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ, ngành, địa phương tổng hợp số liệu thực hiện của các hợp đồng để báo cáo Chính phủ.

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây. Khắc phục hạn chế nguyên nhân chủ quan, khách quan từ công tác này.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load