Thứ năm 28/03/2024 17:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ba Chẽ (Quảng Ninh): Đập chứa nước vừa khánh thành đã xuống cấp, rạn nứt... được khẳng định là bình thường?

15:21 | 22/12/2021

(Xây dựng) - Trước nội dung dư luận phản ánh về hiện trạng xuống cấp tại công trình hồ chứa nước thuộc dự án Cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao của huyện Ba chẽ, một loạt cơ quan tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kiểm tra và kết luận là bình thường...

ba che quang ninh dap chua nuoc vua khanh thanh da xuong cap ran nut duoc khang dinh la binh thuong
Trụ sở Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao của huyện Ba Chẽ gồm: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Ba Chẽ theo quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Chẽ giai đoạn 2010-2025 và tầm nhìn sau 2025 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 3921/QĐ-UBND ngày 21/12/2010.

Dự án có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng do UBND huyện Ba chẽ làm chủ đầu tư và được liên danh Công ty Cổ phần Sơn Hà và Công ty Cổ phần 203 thi công.

Dự kiến dự án hoàn thành sẽ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân và các nhu cầu dùng nước khác để phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào 4 xã. Tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70ha lúa và 20ha hoa màu tại xã Lương Mông. Đồng thời, tạo nguồn cấp nước cho công tác phòng cháy chữa cháy, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu, cải tạo cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng dự án nói riêng và huyện Ba Chẽ nói chung.

Hiện tại, công trình đã hoàn thành thi công các hạng mục đắp đập tràn xả lũ, nhà quản lý vận hành, trạm xử lý, đường quản lý vận hành, hiện đang thi công đường ống dẫn nước. Công trình cũng vừa được khánh thành, gắn biển. Tuy nhiên, hiện trạng cho thấy tại đoạn đường bê tông đỉnh đập có nhiều vết rạn nứt, đang được đơn vị thi công sửa chữa, chắp vá… Xung quanh hồ taluy mặt trong của đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt ở rãnh thoát nước, đường nội bộ. Một số điểm được đơn vị thi công chắp vá, trát xi măng nhằm che đậy chất lượng yếu kém của công trình.

Ngoài ra, tại hạng mục đường quản lý vận hành bằng bê tông quanh đập cũng cho thấy dấu hiệu nứt, nẻ. Đáng chú ý, ở mặt đập chính, một trong những phần quan trọng nhất của đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt, có chỗ doanh nghiệp sử dụng thủ thuật chắp vá tinh vi. Đặc biệt, trên bề mặt đập chính xuất hiện rãnh nứt kéo dài đến thân đập.

Theo Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 10/12/2021 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Ba Chẽ và các đơn vị: Quản lý dự án, Tư vấn giám sát thi công, kiểm định chất lượng công trình, nhà thầu xây lắp thuộc dự án Cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao huyện Ba Chẽ:

Tại thời điểm kiểm tra, tường chắn sóng đã được thi công hoàn thành. Theo hồ sơ thiết kế, tường chắn sóng được chia thành các đơn nguyên có chiều dài trung bình 10,0m. Tiếp giáp giữa các đơn nguyên là giấy dầu tẩm nhựa đường (giấy dầu giúp cho tường chắn sóng không bị gãy khi đập đất lún trong quá trình vận hành). Theo hồ sơ thiết kế, giới hạn cho phép lún với đập chính 0,5%H (H=24m chiều cao nhất của đập) tương đương 12cm. Tại thời điểm kiểm tra có 02 khớp nối tường chắn sóng tại phía hai vai đập đã hoạt động. Tiếp giáp giữa hai đầu đơn nguyên tường chắn sóng dịch chuyển không đều làm cục bộ hai điểm đầu tường chắn sóng tiếp giáp lệnh nhau khoảng 1cm.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc dịch chuyển tại điểm tiếp giáp giữa các đơn nguyên tường chắn sóng như trên là trong giới hạn cho phép. Đơn vị kiểm định chất lượng công trình đã dùng súng bật nẩy kiểm tra xác suất cường độ bê tông tường chắn sóng cho kết quả cường độ bê tông đảm bảo theo hồ sơ thiết kế.

Qua kiểm tra bê tông mái đập thượng lưu đập, không phát hiện dấu hiệu bất thường về chất lượng công trình. Các tấm lát mái được thi công tại chỗ và được cắt tạo các khớp nối để mái đập hoạt động bình thường.

Theo hồ sơ thiết kế bê tông gia cố định đập được chia làm các đơn nguyên có kích thước (4,4x5,0)m. Bê tông mặt đập được thiết kế tách rời với tường chắn sóng, gờ chắn bánh xe và lề đường để đảm bảo trong quá trình lún của đập các kết cấu bê tông không bị gãy. Tại thời điểm kiểm tra, các điểm tiếp giáp (khớp nối) hoạt động bình thường, không phát hiện bất thường về chất lượng xây dựng công trình.

Hạng mục đường thi công kết hợp quản lý vận hành và cống qua đường: Đường thi công kết hợp quản lý vận hành được thiết kế bề mặt bằng bê tông M250 dày 18cm để phục vụ quản lý vận hành của hồ.

Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư, đường quản lý vận hành sau khi hoàn thành đổ bê tông mặt đường, công tác quản lý công trình trong giai đoạn bảo hành chưa được chặt chẽ để các phương tiện vận chuyển thu hoạch lâm sản vượt trọng tải của người dân trong khu vực thường xuyên qua lại, do đó một số vị trí bê tông mặt đường bị rạn nứt ở vị trí các khe co giãn và cục bộ tại một số vị trí. Các hạng mục công trình đang trong thời gian thi công, hoàn thiện và chưa được nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành. Tại thời điểm kiểm tra, các vị trí rạn, nứt đã được chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu khắc phục, thay thế xong.

Còn việc dịch chuyển tại khớp nối giữa các đơn nguyên tường chắn sóng, bê tông mặt đập là bình thường, nằm trong giới hạn cho phép. Hiện nay, đập đã được tích nước theo thiết kế, do đó việc tiếp tục theo dõi lún, chuyển vị đập là cần thiết. Đoàn công tác đề nghị chủ đầu tư cùng đơn vị xây lắp tiếp tục theo dõi và thực hiện bảo hành công trình đảm bảo theo quy định.

Như vậy, theo biên bản kiểm tra hiện trường của các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Ninh, ngoài mặt đường bê tông đường quản lý vận hành có hiện tượng nứt gãy cục bộ thì các hạng mục kiểm tra tường chắn, bê tông gia cố thượng lưu đập, đường bê tông đỉnh đập… đều nằm trong giới hạn cho phép?

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một số dấu hiệu nứt gãy, đặc biệt vết nứt gãy ngang kéo dài ở thân mặt đập chính, một trong trong những hạng mục quan trọng nhất của đập thuỷ lợi, lan can an toàn cầu lại không được đề cập tới trong biên bản kiểm tra.

Dấu hiệu các vết nứt ngang, dọc kéo dài ở thân mặt đập, mái đập có thể nhìn thấy bằng mắt thường hiện đã được sửa chữa bằng việc trét nhựa để che dấu vết nứt biến thành khe co giãn giữa các tấm bê tông. Bề mặt các tấm bê tông mặt đập bị cong vênh, nứt gãy, không đồng đều về kích thước có dấu hiệu sửa chữa, chắp vá dễ quan sát bằng mắt thường là những dấu hiệu bất thường cần kiểm định kỹ lưỡng, cẩn trọng.

ba che quang ninh dap chua nuoc vua khanh thanh da xuong cap ran nut duoc khang dinh la binh thuong
Công trình hồ cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao của huyện Ba Chẽ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Trọng Tường – Giám đốc Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ cho biết: Để các phương tiện vận tải đi qua công trình khi chưa nghiệm thu, chưa bàn giao không phải trách nhiệm của Ban quản lý dự án mà là trách nhiệm của nhà thầu thi công. Sáng 10/12, chúng tôi đã cũng phối hợp với đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh và Sở Xây dựng, có biên bản kiểm tra hiện trạng và chưa có báo cáo. Sang tuần, Sở Nông nghiệp sẽ có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh về vụ việc này.

Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Khánh Tùng cũng thông tin: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Xây dựng cũng đã vào công trình kiểm tra hiện trạng rồi, cũng có báo cáo chính thức rồi”.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Đinh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load