Trải qua 95 năm hình thành và phát triển (28/7/1929 - 28/7/2024), được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành; là đại diện được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan Nhà nước; là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân lao động.
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chỗ dựa vững chắc của người lao động trong mọi thời kỳ
Những năm đầu của thế kỷ XX, trong lúc hoạt động ở phong trào công nhân và Công đoàn quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng, đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người chỉ dẫn: "Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".
Ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã nhất trí thành lập, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của của Công đoàn Việt Nam ngày nay, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Ngay sau khi ra đời, bất chấp sự đàn áp, kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, cán bộ Công hội Đỏ vẫn bám sát nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, tổ chức người lao động đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong và trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Với trên 20 vạn người, các đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.
Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, người lao động tập trung bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt “giặc dốt, giặc đói”, thi đua lao động phục vụ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức, vận động công nhân viên chức - lao động ra sức thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tập trung chi viện cho chiến trường miền Nam. Cán bộ, đoàn viên công đoàn đã lao động quên mình với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “tay búa, tay súng” phục vụ sản xuất và chiến đấu. Nhiều phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân được lan tỏa, như: "Sóng Duyên Hải", "Hợp tác xã Thành Công", "Ba quyết tâm"… đồng thời xuất hiện nhiều công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nêu gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Bên cạnh đó, hàng vạn cán bộ, đoàn viên công đoàn và thanh niên công nhân đã lên đường tòng quân, hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam, sát cánh cùng quân và dân miền Nam đánh đế quốc Mỹ.
Ngày 5/11/1957, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn, tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong tình hình mới. Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 đến 27/2/1961, quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.
Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập, vừa tổ chức cho người lao động các thành phố đấu tranh, vừa động viên người lao động vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Công đoàn giải phóng đã vận động người lao động ở các đô thị đồng loạt nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đã tạo điều kiện cơ bản để thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi toàn quốc. Ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, quyết định hợp nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn vận động người lao động cùng quân dân cả nước bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đoàn viên được Công đoàn chú trọng, số đoàn viên và công đoàn cơ sở ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, đề nghị Nhà nước bổ sung phụ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp khó khăn… Các chế độ nghỉ, tham quan du lịch và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được Công đoàn duy trì và phát triển.
Trong bối cảnh đất nước tiến hành đổi mới, từng bước hội nhập, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI (từ ngày 17 đến 20/10/1988, tại Hà Nội) quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế trong đổi mới và hội nhập
Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc Hội thao cán bộ, công chức, viên chức, lao động năm 2024 tại Nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội), ngày 16/5/2024. Ảnh: XM/Báo Tin tức |
95 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động cả nước phải chống chọi với đại dịch COVID-19.
Mô hình tổ chức bộ máy của Công đoàn ngày càng được hoàn thiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn từng bước được nâng cao. Công đoàn Việt Nam đã làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện hàng trăm văn bản pháp luật, chính sách, chế độ việc làm, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội…; đồng thời tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hàng trăm nghìn lao động. Thông qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bình quân mỗi năm, hơn 300 dự án được vay vốn, giúp giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động. Hàng vạn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công trình, sản phẩm mới ra đời từ các chương trình vận động của công đoàn, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn.
Không chỉ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn, như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”… thu hút và tạo động lực mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; xây dựng các thiết chế công đoàn, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá, chăm sóc sức khỏe… tại các khu công nghiệp; thăm hỏi, tặng quà của nhân dịp Tết nguyên đán và tổ chức gặp gỡ, đối thoại hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân; xây dựng chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”…
Công đoàn Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với Liên hiệp Công đoàn thế giới, là đối tác của Tổng Công đoàn quốc tế. Trong quan hệ song phương, Công đoàn Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các đối tác truyền thống; thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới. Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và tăng cường vận động, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế; tham gia Đoàn đàm phán của Chính phủ về các nội dung liên quan đến lao động trong hiệp định TPP và CPTPP; tham mưu, góp ý kiến về việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các công ước quốc tế, nhất là công ước trong lĩnh vực lao động. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Công đoàn Việt Nam đã được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hoạt động công đoàn, tranh thủ quảng bá đất nước, con người, môi trường đầu tư và tổ chức Công đoàn Việt Nam với bạn bè thế giới.
Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với sự phát triển của đất nước, Công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhân dân.
Với những đóng góp to lớn trên, Công đoàn Việt Nam đã 2 lần vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tên gọi của Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ
- Công hội Đỏ (1929-1935): đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh chống áp bức bóc lột, đấu tranh cách mạng để giành độc lập cho dân tộc. Các cuộc đấu tranh đã thu hút đông đảo công nhân của nhiều ngành ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Biên Hòa, Hà Tiên, Pleiku, Sài Gòn, Gia Định, Quảng Nam... tham gia và giành được những thắng lợi nhất định.
- Nghiệp đoàn Ái hữu (1936-1939): mục tiêu của Nghiệp đoàn Ái hữu là đòi tự do nghiệp đoàn, đòi thực hiện dân sinh dân chủ, nhằm tập hợp quần chúng rộng rãi... từ năm 1936-1939, có hàng vạn cuộc đấu tranh của công nhân buộc thực dân Pháp phải chấp nhận một số yêu cầu: tăng lương, giảm giờ làm, tự do hoạt động nghiệp đoàn, tự do hội họp, chống chủ sa thải và đánh đập công nhân.
- Hội Công nhân phản đế (1939-1941): với nhiệm vụ là đấu tranh bảo vệ lợi ích hàng ngày của công nhân, làm cách mạng lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến, giải phóng giai cấp và dân tộc, lãnh đạo các cuộc bãi công.
- Hội Công nhân cứu quốc (1941-1946): dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hình thức tổ chức thích hợp, mục tiêu đấu tranh rõ ràng, phong trào công nhân cứu quốc phát triển mạnh mẽ ở Bắc kỳ, Trung kỳ, nhất là ở các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai... Tháng 8/1945, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng với nhân dân cả nước đánh đổ phát xít Nhật và chính quyền phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946-1961): trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, tháng 6/1946, Hội nghị Cán bộ công đoàn cứu quốc toàn quốc quyết định đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn và thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (20/7/1946). Công đoàn các cấp đã động viên công nhân tham gia chiến đấu, vận động công nhân xây dựng cơ sở sản xuất, phục vụ kháng chiến lâu dài, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
- Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988): Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 23 đến 27/2/1961), quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 đến nay): Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam (họp từ ngày 17 đến 20/10/1988) quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)