Liên quan đến việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe - công trình phụ trợ trên phố Nguyễn Khánh Toàn, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình và Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cùng với việc triển khai, hoàn thành cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm, các cấp chính quyền cùng với đơn vị chức năng đang tiếp tục triển khai biện pháp nhằm xử lý triệt để vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Phương tiện cơ giới tham gia cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại dự án mương cống hóa Phan Kế Bính. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)
Theo Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, sau khi ban hành 4 quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đa Quốc gia, quận đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ đối với các công trình xây dựng không phép nằm trong ô số 3 của dự án.
Các công trình đó gồm Khu vực nhà khung thép, mái tôn tiếp giáp phố Nguyễn Văn Ngọc; khu vực kinh doanh siêu thị Circle K (Công ty Trách nhiệm hữu hạnVòng Tròn Đỏ); khu vực kinh doanh dịch vụ Spa (Công ty Trách nhiệm hữu hạnGenkiland); văn phòng, gara Công ty cổ phần Đa Quốc gia, quầy bán đá thiên nhiên Bảo Anh.
Hiện còn một phần văn phòng của đơn vị kinh doanh hải sản chưa tháo dỡ được vì doanh nghiệp này cho rằng việc thuê địa điểm kinh doanh là phù hợp với quy định hiện hành…
Còn tại dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ trên phố Nguyễn Khánh Toàn, các lực lượng chức năng của quận Cầu Giấy tiến hành cưỡng chế tháo dỡ 23 cơ sở có công trình vi phạm; trong đó, nhiều nhà hàng, quán nhậu, showroom đang hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, lô số 1 gồm 7 trường hợp; lô số 3 có 10 trường hợp; lô số 4 có 6 trường hợp.
Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy cho biết, ngay sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, các ô đất vi phạm, lực lượng chức năng đã dựng hàng rào tôn cao 3m xung quanh dự án, tổ chức gắn camera giám sát để ngăn chặn các trường hợp cố tình tái vi phạm và chỉ để lối vào tại những khu vực nằm trong quy hoạch.
Các trường hợp có hành vi phá hoại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố theo quy định.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình và Cầu Giấy, đến trước thời điểm thực hiện các quyết định cưỡng chế, phần lớn các chủ đầu tư đã dừng kinh doanh, di dời đồ đạc và tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Tuy nhiên, hiện một số trường hợp chưa đồng thuận với quyết định của Ủy ban Nhân dân quận nên đã có đơn kêu cứu, khiếu nại gửi báo chí và các cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp khẳng định, việc thuê địa điểm kinh doanh tại hai dự án này là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Bởi, doanh nghiệp đã được các sở, ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận sử dụng đất, giấy phép xây dựng…
Về vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, Sở đã có thông báo thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các đơn vị kinh doanh trái phép tại hai dự án cống hóa mương trên.
Cả hai dự án đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận là vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai.
Quá thời hạn 6 tháng nếu đơn vị nào không chấp hành, Sở sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận theo quy định.
Hiện một số doanh nghiệp tại 2 dự án cống hoá mương trên đã tìm địa điểm kinh doanh mới và đăng ký chuyển địa điểm kinh doanh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Luật Doanh nghiệp quy định rõ, doanh nghiệp tự kê khai thông tin và phải chịu trách nhiệm các thông tin chính xác, trung thực.
Sai phạm của doanh nghiệp trước trong và sau khi đăng ký kinh doanh do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
Biểu mẫu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có cam kết về việc sử dụng, sở hữu hợp pháp với trụ sở chính của doanh nghiệp, cam kết phải đúng mục đích của đất.
Do vậy, theo trình tự khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, không có quy định nào để đi thẩm tra, thẩm định về địa chỉ kinh doanh.
Từ tháng 10/2007, Công ty cổ phần Đa Quốc gia được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe với diện tích đất thực tế được bàn giao là 6.078m2 (đoạn từ phố Linh Lang đến phố Liễu Giai).
Theo hồ sơ cấp phép do Sở Xây dựng cấp, công ty này được phép xây dựng công trình giới thiệu sản phẩm, văn phòng và dịch vụ, công trình nhà dịch vụ phụ trợ, công trình rửa xe.
Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án (năm 2009), Công ty cổ phần Đa Quốc gia tự ý cho các doanh nghiệp khác thuê mặt bằng để kinh doanh sai mục đích.
Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô để xây dựng bãi đỗ xe cũng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư, Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ.
Với tổng diện tích 14.000m2, sau khi được thành phố giao đất, tháng 9/2011, chủ đầu tư đã nhượng dự án cho doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc.
Tiếp đó, đơn vị chủ đầu tư mới này đã ký 30 hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng các công trình của dự án với nhiều mục đích khác nhau.
Điều đáng nói, thay vì làm bãi gửi xe và công trình phụ trợ, 14.000m2 đất công đã bị chuyển đổi mục đích thành nhà hàng, quán ăn.
Từ năm 2012, chính quyền quận Cầu Giấy và phường Quan Hoa đã nhiều lần xử lý các vi phạm trên nhưng vẫn không kiên quyết, triệt để, các vi phạm vẫn tồn tại gây bức xúc trong nhân dân.
Theo MINH NGHĨA (TTXVN/VIETNAM+)