(Xây dựng) - Nhiều năm nay, chuyện trùng tu làm hư hỏng tính nguyên gốc của di tích xảy ra ngày một nhiều và ở cả các di tích có quy mô lớn, có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt cho dù các nhà khoa học, công luận và xã hội đã nhiều lần khẩn thiết lên tiếng.
Có thể tạm kể ra, như chuyện trùng tu làm thay đổi nguyên gốc di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, làm mới Ô Quan Chưởng, xây mới Tam quan chùa Trấn Quốc, nhà Tổ, gác Khánh chùa Trăm Gian - ngôi chùa có niên đại ngàn năm tuổi ở Hà Nội. Rồi chuyện làm thêm bình phong với phù điêu hình “quỷ” ở Lăng Ngô Quyền (Đường Lâm - Sơn Tây)… Và mới đây thôi, một dự án khách sạn cỡ 5 sao hoành tráng sẽ chuẩn bị mọc lên trên phố Lê Thái Tổ, cũng làm nhiều người băn khoăn lo lắng cho không gian văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm… Tất cả đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ứng xử thiếu tôn trọng với di tích, di sản, vi phạm Luật Di sản văn hóa xảy ra không chỉ ở cộng đồng cư dân, mà còn ở nhiều cấp chính quyền và cơ quan quản lý ngành văn hóa.
Chúng ta đều biết di tích kiến trúc là dấu tích hiếm hoi còn sót lại của mỗi triều đại, là chứng nhân của lịch sử, là kho báu vô giá của nền văn hóa dân tộc. Mỗi di tích còn lại đến hôm nay, luôn chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện về một thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đầy thăng trầm của dân tộc.
Những năm 80 (thế kỷ XX) trở về trước, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích hầu như chỉ dựa vào nguồn ngân sách eo hẹp của Nhà nước. Vì thế, số lượng di tích được tu bổ chống xuống cấp bởi mưa nắng và thời gian không nhiều, chủ yếu là những di tích kiến trúc bị hư hại nặng và có giá trị đặc biệt, như chùa Kim Liên, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến… Việc bảo tồn, trùng tu di tích thời kỳ này được thực hiện khoa học, bài bản và cẩn trọng. Từ việc nghiên cứu, đạc họa đến hạ giải, phục dựng… đều do ngành văn hóa thực hiện, với sự tham gia của các KTS bảo tồn di tích, họa sĩ, nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và những thợ ngõa dày kinh nghiệm. Bước sang nền kinh tế thị trường, nhất là từ cuối thập niên 90 trở lại đây, công tác bảo tồn di tích được xã hội hóa với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, doanh nhân, dòng họ… nên đã góp phần cứu giữ được nhiều di tích khỏi bị sập đổ, cũng như xây dựng mới nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như chùa Bái Đính chẳng hạn. Nhưng cũng từ lúc này, do nhiều nguyên nhân, nên ở nơi này nơi kia, việc trùng tu, tu bổ di tích rất tùy tiện gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Di tích kiến trúc không phải là công trình xây dựng đơn giản. Vì thế việc trùng tu di tích kiến trúc đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt theo các quy định của Luật Di sản văn hóa (2001). Để có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép trùng tu một di tích, phải qua nhiều khâu, từ đánh giá, lập hồ sơ thực trạng di tích… đến hồ sơ thiết kế, biện pháp trùng tu, tu bổ di tích. Thực hiện công việc này phải là các cơ quan chuyên ngành văn hóa, bảo tồn tôn tạo di tích, với sự tư vấn của các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, sự tham gia của các kiến trúc sư, họa sĩ và các nghệ nhân, mà ta thường gọi là thợ ngõa. Do hầu hết di tích kiến trúc nằm ở vùng nông thôn, nên thường được các BQL di tích cấp xã, cấp huyện quản lý. Thậm chí nhiều nơi, chùa chiền lại do các sư trụ trì quản lý, thu tiền công đức và tự ý sửa chữa, tu bổ và cả xây thêm kiến trúc mới, phá vỡ cảnh quan kiến trúc gốc của di tích mà không cần xin phép. Luật Di sản Văn hóa ra đời đã được 15 năm, nhưng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng còn rất yếu. Phần lớn những người làm công tác bảo tồn di tích ở địa phương, nhất là cấp huyện, xã thiếu chuyên môn, không hiểu sâu về di tích, về văn hóa, không nắm và không biết vận dụng Luật Di sản văn hóa vào công tác của mình. Công tác thi công trùng tu, tôn tạo di tích không chuyên nghiệp. Việc đấu thầu trùng tu di tích theo Luật Đấu thầu là không sai, nhưng chỉ cho phép các đơn vị có chứng chỉ về trùng tu di tích và đã thi công thành công (được hội đồng các nhà khoa học giám định) ít nhất ba công trình, trong đó có một công trình di tích cấp quốc gia thì mới được tham gia đấu thầu. Chính vì hiểu sai mục đích ý nghĩa của trùng tu di tích, và do vốn đầu tư cho trùng tu di tích lớn, nên vì nhiều mục đích trục lợi khác nhau, mà nhiều DN xây dựng đã trúng thầu. Và kết quả là việc trùng tu… như phá di tích đã xảy ra?! Công tác quản lý văn hóa, quản lý di tích, di sản ở các cấp còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thiếu giám sát, thanh tra, kiểm tra. Đấy là những bất cập đã và đang tồn tại trong lĩnh vực bảo tồn di tích, di sản văn hóa cực kỳ quan trọng này.
Di tích, di sản là vốn quý, là tài sản vô giá của quốc gia. Vì thế, việc bảo vệ, bảo tồn, trùng tu để di tích, di sản bền vững với thời gian là trách nhiệm của ngành văn hóa và ý thức bảo vệ của cộng đồng. Và cho dù bất kỳ nguyên nhân nào, chủ quan hay khách quan, thì việc làm sai lạc những yếu tố nguyên gốc của di tích là vi phạm pháp luật và cũng là có tội với tiền nhân, với lịch sử và có lỗi với các thế hệ con cháu mai sau.
KTS Phạm Thanh Tùng
Theo