(Xây dựng) - Vừa qua, sự cố nhiễm dầu ở đầu nguồn của Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân phía Nam và Tây Nam Hà Nội. Thực tế ấy đã cho thấy, nguồn nước chính cung cấp cho người dân lại dễ dàng bị xâm phạm. Vậy, cần có một chế tài xử lý cũng như những quy định rõ ràng về việc cung cấp nước sạch cho người dân.
Bảo vệ nguồn nước trách nhiệm không của riêng ai.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Hiện nay việc quản lý và giám sát nguồn nước sạch cho các nhà máy xử lý nước sạch được phân cấp và phân công cho Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cấp địa phương.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể là: Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về cấp nước đô thị và khu công nghiệp trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp ở cấp quốc gia; Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về cấp nước đô thị và khu công nghiệp; Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Cụ thể là: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; Cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền; Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước; tổng hợp kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tổ chức quan trắc cảnh báo, dự báo và thông báo về mưa, lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các hiện tượng bất thường về tài nguyên nước; Giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về tài nguyên nước; chủ trì các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền.
Về phía địa phương, trách nhiệm được phân theo từng cấp: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý; có trách nhiệm tổ chức và phát triển các dịch vụ cấp nước cho các nhu cầu khác nhau theo địa bàn quản lý, phù hợp với sự phát triển cộng đồng và tham gia vào quy hoạch chung của vùng về cấp nước; khi có nhu cầu về cấp nước, UBND các cấp phải áp dụng các biện pháp thích hợp để lựa chọn hoặc thành lập mới đơn vị cấp nước, hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức giám sát việc thực hiện Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước của đơn vị cấp nước trên địa bàn do mình quản lý, bảo đảm các dịch vụ cấp nước đầy đủ, có sẵn để sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của cộng đồng.
Tuy nhiên đối với đơn vị cấp nước, nơi trực tiếp cung cấp nguồn nước sạch cho người dân phải đảm bảo nhiệm vụ tổ chức sản xuất an toàn, cung cấp ổn định dịch vụ cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục theo quy chuẩn kỹ thuật và Hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết.
Liên quan đến quản lý nguồn nước và giám sát chất lượng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Cty Cấp nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá các tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm nhằm bảo vệ và duy trì chất lượng nước, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp làm ô nhiễm nguồn nước, thông báo kịp thời tình hình chất lượng nước cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng; Xác định ranh giới, lắp đặt biển báo, tổ chức bảo vệ an toàn khu vực thu nước, hệ thống cấp nước; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm, gây mất an toàn cho hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý; Đề xuất lựa chọn các nguồn nước khai thác lâu dài, dự phòng và công nghệ xử lý phù hợp theo từng giai đoạn nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước đạt chất lượng và hiệu quả.
Khắc phục sự cố
Sự việc vừa qua cho thấy sự ảnh hưởng nghiệm trọng từ việc nhiễm bẩn đầu nguồn nước, cũng như sự chậm trễ trong xử lý hậu quả đã bộc lỗ những lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát nguồn cấp nước sạch cho nhân dân. Công tác bảo vệ, quản lý nguồn nước chưa được quan tâm đúng mức, đơn vị cấp nước chưa tuân thủ theo các quy trình, đặc biệt trong kế hoạch cấp nước an toàn, không đảm bảo quy trình quản lý, giám sát kiểm tra, khi phát hiện sự cố xảy ra xử lý còn chậm trễ, lúng túng ảnh hưởng lớn đến khách hàng tiêu thụ và sử dụng nước sạch.
Đặc biệt, đối với các công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh đòi hỏi cần có sự phối hợp của UBND các tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế chính sách cụ thể quản lý, đầu tư cho đến vận hành công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Các doanh nghiệp cấp nước sau khi xã hội hóa còn hạn chế trong tuân thủ quản lý Nhà nước (tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp), đặc biệt quy định bảo đảm an ninh cấp nước trong trường hợp có sự cố đối với hệ thống cấp nước. Vì vậy, việc cấp nước mất ổn định, ảnh hưởng đến an sinh xã hội cần được nhìn nhận như một vấn đề an ninh cấp nước. Các quy định về bảo vệ hệ thống cấp nước (công trình khai thác, xử lý cung cấp nước sạch) chưa được quy định trong văn bản cấp Luật.
Việc bảo đảm cấp nước an toàn chưa được thực thi một cách hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của chính quyền địa phương khu vực nguồn nước cần được bảo vệ, chưa có các chế tài quản lý đồng bộ đối với đơn vị cấp nước. Nghị định số 117/2007/NĐ-CP quy định về bảo đảm cấp nước an toàn, trong đó còn thiếu cụ thể hóa các nội dung bảo vệ hệ thống cấp nước và bảo đảm ổn định dịch vụ cấp nước.
Ngày 21/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2012/TT-BXD về hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn, sau khi Thông tư được ban hành các địa phương đã có những triển khai từ cấp chính quyền đến các đơn vị cấp nước như thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh (có 49/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch), thành lập tổ nhóm cấp nước an toàn, xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn (41/63 địa phương đã lập và ban hành kế hoạch cấp nước an toàn được UBND tỉnh phê duyệt), xây dựng sổ tay cấp nước an toàn của Cty cấp nước (35 Cty cấp nước đã xây dựng sổ tay cấp nước an toàn)... Các hoạt động này đa phần chỉ dừng ở mức thành lập, công bố còn việc quản lý, triển khai chưa thực sự được quan tâm.
Cần xây dựng Luật cấp nước để đảm bảo minh bạch
Theo đó, UBND cấp tỉnh, trong trường hợp này là UBND tỉnh Hòa Bình cần phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND huyện Kỳ Sơn, Viwasupco xây dựng và lập kế hoạch bảo vệ nguồn nước (cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, giao các địa phương quản lý, lập đội công tác tuần tra bảo vệ, gắn camera quan sát khu vực bảo vệ nguồn nước...), lập và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, quy trình quản lý, khắc phục sự cố.
Hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, chịu tác động chi phối của nhiều văn bản Luật hiện hành (Luật Xây dựng, Quy hoạch, Tài nguyên nước, Doanh nghiệp, Đầu tư… và hơn 90% các Cty cấp nước đã cổ phần hóa) nhưng chưa có văn bản cấp Luật nào quy định khung pháp lý toàn diện và đầy đủ liên quan đến hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Và chế tài cao nhất xử lý các vi phạm tác động đến an ninh, an toàn nguồn nước, công trình cấp nước, quy định về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn vào cấp Luật là công cụ quản lý toàn diện lĩnh vực cung cấp nước sạch.
Các cơ quan chức năng có liên quan cần rút ra bài học từ sự cố trên, hoàn thiện cơ chế chính sách; đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Cấp nước làm công cụ pháp lý, quản lý Nhà nước đảm bảo đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước: Nguồn nước, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian chưa xây dựng Luật, rà soát, nghiên cứu bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện có liên quan quy định hoạt động cấp nước; xem xét bổ sung là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện chịu sự kiểm soát của Nhà nước.
Mộc Miên
Theo