(Xây dựng) - Chiều 14/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”. Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành Dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân 10-15%/năm, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Ngành đã đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2021 đạt gần 600 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Vì vậy, “Diễn đàn logistics Việt Nam 2021 là nơi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề của ngành logistics và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những giải pháp để hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, để ngành Logistics Việt Nam phát triển trước hết cần đổi mới tư duy, khắc phục những điểm yếu của ngành như chi phí quá cao, chuyển đổi số còn chậm… Do vậy, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh liên kết; có giải pháp giữ vững chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi sau đại dịch.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu dịch vụ, tận dụng và khai thác hiệu quả kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, Diễn đàn là nơi tập hợp, thống nhất kiến nghị về các giải pháp nhằm phát huy nội lực ngành Logistics, nhanh chóng phát triển dịch vụ logistics lên tầm cao mới, tận dụng tối đa cơ hội từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Cũng tại diễn đàn, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Logistics là ngành cốt lõi trong phát triển thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được xếp vào nhóm 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn. Để đón đầu cơ hội này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị nhiều mặt, trong đó, việc phát triển hạ tầng nói chung và ngành Logistics nói riêng là hết sức quan trọng”.
Hiện, ngành này ở Việt Nam còn đứng sau nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng theo bà Carolyn Turk là cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện năng lực quản lý, vận hành và kỹ năng của lao động ngành Logistics thông qua triển khai những chương trình đào tạo và đào tạo lại. Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistics.
Minh Thu
Theo