(Xây dựng) - Một số tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất mong tìm được nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Thời gian tới, nếu Việt Nam khuyến khích phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục ký thêm các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo sức hút lớn cho doanh nghiệp nước ngoài.
Ảnh minh hoạ. |
Hiện nay, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp đang lệ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều mặt hàng của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Do đó, Chính phủ đã yêu cầu theo lộ trình phải nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới về xuất khẩu giày dép, dệt may, nhưng nguyên, phụ liệu để sản xuất phải nhập khẩu từ 50-90%.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: xơ, sợi dệt; máy móc thiết bị và phụ tùng; phương tiện vận tải; điện tử… cũng phải nhập khẩu từ 30-70%. Do đó, ngành công nghiệp của Việt Nam có giá trị gia tăng chưa cao.
Một số tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào Đồng Nai cho biết, họ rất mong tìm được nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Hiện nhà máy của các tập đoàn này đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 70-80%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30-60%.
Việc này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khi muốn khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Nếu Việt Nam khuyến khích phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, cùng tiếp tục ký thêm các hiệp định thương mại tự do sẽ là lực hút lớn với doanh nghiệp nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam muốn phát triển bền vững thì phải chủ động từ nguyên liệu thô đầu vào. Bởi nguyên liệu đầu vào của công nghiệp hỗ trợ hiện nhập khẩu khá nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Khi các nước này gặp biến động, chuỗi cung ứng bị “nghẽn”, ngành công nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề, vì doanh nghiệp phải mất một thời gian tìm lại nhà cung cấp từ những nước khác.
Tại Đồng Nai, hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là máy móc thiết bị và phụ tùng, điện tử và linh kiện, xơ sợi dệt, sản phẩm sắt thép, chất dẻo, hóa chất, kim loại... Để sản xuất những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ này, các doanh nghiệp phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô từ hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là lý do khiến cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chưa cao.
Để chủ động nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ, hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu, không chỉ riêng Đồng Nai mà cần quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển theo vùng, miền, quốc gia.
Huyền Nhi
Theo