Thứ sáu 26/04/2024 07:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của thành phố Thanh Hóa

11:33 | 06/11/2020

(Xây dựng) - Là một trong những thành phố có lợi thế để phát triển đô thị thông minh với hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông khá đồng bộ, trên 70% dân số dùng Smart phone, nhiều cư dân trẻ… đồng thời cũng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có dân số, diện tích trong nhóm lớn nhất cả nước, đóng vai trò động lực trong việc đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới khu vực miền Bắc… do đó, xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh đang là một nhu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới, phát triển.

xay dung do thi thong minh la xu huong tat yeu cua thanh pho thanh hoa
Ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thành phố trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Trong tham luận về chủ đề xây dựng đô thị thông minh trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Huy Triều đặt vấn đề: Trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, mạng viễn thông, Internet ngày càng phổ cập. Hàng loạt công nghệ mới như in 3D, điện toán đám mây, Robot, Bigdata, trí tuệ nhân tạo… khiến cho xu thế xây dựng và phát triển thành phố thông minh là tất yếu.

Đô thị thông minh là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố giải quyết các khó khăn, thách thức, tạo bứt phá vươn lên tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh, tạo sức hút thu hút đầu tư, tận dụng cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo môi trường sống trong lành, tối ưu hóa các dịch vụ; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của người dân trong sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự đảm bảo hơn. Từng bước nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, đúng định hướng cho thành phố. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của miền Bắc như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Đáng chú ý, thành phố Thanh Hóa đang có sẵn những tiềm năng, lợi thế về xây dựng đô thị thông minh, đó là hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá hoàn chỉnh, dân trí cao, trên 70% dân số sử dụng Internet. Nhất là chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ; công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính cũng như cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai rộng khắp và mang lại hiệu quả cao như: Dịch vụ hành chính công; phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân; phòng họp không giấy tờ E – CabinNet; phòng họp trực tuyến, hệ thống camera giám sát trên đường phố, khu dân cư; các phần mềm quản lý y tế, giáo dục… tất cả đang hoạt động và phát huy hiệu quả ổn định. Đây là những cơ sở thuận lợi để thành phố tiến hành xây dựng và thực hiện Đề án đô thị thông minh.

Tuy nhiên, dù có sẵn không ít lợi thế nhưng để xây dựng thành công đô thị thông minh vẫn cần phải có bước đi, lộ trình phù hợp. Mặt khác ngoài sự nỗ lực tự thân, thành phố rất cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Vì thế, cùng với việc xây dựng và triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo theo Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến 2030”… thành phố cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một: Khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung thành phố Thanh Hóa đến năm 2040 phù hợp với phát triển đô thị thông minh. Trong đó, lưu ý kết nối với các vùng phụ cận, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh và cả khu vực Bắc Trung bộ, Nam Bắc bộ. Đối với các Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 và các quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị mới, phải đáp ứng đủ các điều kiện phát triển đô thị thông minh.

Hai: Xây dựng và ban hành “Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh”, mục tiêu để xây dựng một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh. Trong đó, cần xác định rõ các nội dung, thứ tự ưu tiên nhóm công việc, dự án cần làm. Nhưng trước hết cần tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, lựa chọn một số nội dung phù hợp điều kiện thực tế của thành phố, thuộc các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, các dịch vụ thiết yếu với người dân. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để tạo ra một bộ phận dân cư thông minh, tiến tới toàn dân thông minh như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Thành phố thông minh phải từ người dân”. Tạo tiền đề tiến hành xây dựng một số khu vực đô thị thông minh.

Ba: Các cấp có thẩm quyền cần ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp điều kiện phát triển của Việt Nam. Ban hành cơ chế, chính sách và hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý về và điều kiện hỗ trợ nguồn lực để phát triển đô thị thông minh.

Bốn: Tập trung hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 hoàn thành xây dựng dữ liệu dùng chung và chuyên ngành. Trước mắt là cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác phục vụ công tác quản lý của thành phố; 100% thông tin dữ liệu được số hóa; hình thành hệ thống dữ liệu tích hợp, chia sẻ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, theo hướng tự động hóa nhiều tiện ích trong toàn bộ khu vực công. Thực hiện tốt việc thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý, điều hành của thành phố.

xay dung do thi thong minh la xu huong tat yeu cua thanh pho thanh hoa
Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Internet).

Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cùng với kế hoạch, lộ trình bài bản, phù hợp và quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành cùng các tầng lớp nhân dân. Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của thành phố Thanh Hóa nhất định sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa. Qua đó, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu thành phố lần thứ XXI về phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới khu vực miền Bắc như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Đào nguyên – Hà Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load