Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố.
Nước ngập trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Khi dân số và cơ sở vật chất của các thành phố tiếp tục phát triển, con người phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nhà ở, quản trị, di chuyển trong đô thị và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Điều kiện khí hậu ngày càng có xu hướng thay đổi, tạo thêm áp lực và bất ổn cho các khu vực đô thị.
Thiệt hại của các thảm họa do khí hậu gây ra đang tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng ngày càng lớn tới cuộc sống, tài sản và sinh kế của con người cũng như các hệ thống sinh thái có giá trị.
Hợp tác tăng cường khả năng chống chịu
Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu không phải lúc nào cũng được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.
Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Sitara Syed, cho rằng: “Các nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô quốc gia cần phải kết hợp với việc giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là ở các khu vực đô thị."
Bà Sitara Syed lưu ý rằng hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều không được chuẩn bị để ứng phó với thiên tai hoặc để giảm các rủi ro liên quan.
"Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu. Nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, chúng ta có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển của Việt Nam trước những thiên tai mà lẽ ra có thể tránh được.”
Theo các chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, con người đang sống trong một thế giới đang ngày một đô thị hóa và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy rằng hơn một nửa dân số thế giới đã sống ở các thành phố kể từ năm 2007 và đô thị hóa ước tính sẽ tăng lên 80% vào năm 2050.
Tại Việt Nam, 76 thành phố bao gồm 60% tổng dân số cả nước và đóng góp vào hơn 70% GDP.
Nhận định nhiều đô thị của Việt Nam vẫn đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện nay, ông Fabrice Richy, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Pháp mong muốn sẽ cùng với các tỉnh, thành Việt Nam thực hiện các dự án đã, đang và sẽ triển khai một cách hiệu quả.
Ông Fabrice Richy khẳng định Cơ quan Phát triển Pháp luôn đồng hành với tất cả chính sách, chiến lược của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết cùng cộng đồng quốc tế triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ông Fabrice Richy cho biết những năm qua, Liên minh châu Âu và Cơ quan Phát triển Pháp đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cho một số tỉnh, thành phố của Việt Nam thông qua việc tài trợ và chuẩn bị tài trợ cho các dự án tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu của các đô thị tại Việt Nam.
Thông qua Quỹ Biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu của đô thị, trong 5 năm (2016-2021), Vương quốc Anh tài trợ 135 triệu USD để hỗ trợ các thành phố đang phát triển nhanh ở châu Á, trong đó có Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro mà người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 mang đến cơ hội quan trọng để nâng cao tầm nhìn toàn cầu về tăng cường khả năng chống chịu của đô thị. Từ nay đến Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26, cùng với các đối tác phát triển khác, chúng tôi mong muốn được hợp tác hơn nữa với Chính phủ Việt Nam trong chương trình nghị sự quan trọng này."
Thực hiện các giải pháp ứng phó
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030." Đề án với mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất...
Đề án thực hiện trên hệ thống đô thị phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), tập trung vào hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2021-2025), thực hiện tại 5 đô thị gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Giai đoạn 2 (từ 2026-2030), thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu. Giai đoạn sau năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc.
Đề án đề xuất tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021-2030; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).
Đề án đề xuất tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
Các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Các đô thị, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng, hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị, xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn; khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro; phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.
Cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các cấp cần nâng cao năng lực về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.
Nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế./.
Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)