(Xây dựng) - Đồng Nai đang nỗ lực phát triển đô thị thông minh bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng sống và hiệu quả quản lý đô thị. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như BIM hay GIS vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào các công cụ cơ bản. Trước thực tế này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông, ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển giao thông xanh, nhằm đáp ứng các mục tiêu bền vững.
Đồng Nai đang xây dựng các đô thị theo hướng thông minh, bền vững. (Ảnh: TN) |
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã khẳng định: Phát triển đô thị thông minh bền vững đang trở thành xu thế không thể thiếu trên thế giới. Đây là mô hình đô thị ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý và mức độ cạnh tranh của đô thị. Tại Đồng Nai, nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và phát triển đô thị thông minh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng này vẫn chưa đáp ứng được tốc độ và nhu cầu phát triển.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng tại Đồng Nai còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở các công cụ cơ bản như giấy tờ, Excel, Word, AutoCAD. Các công cụ hiện đại như MapInfo, BIM (Mô hình thông tin công trình), GIS (Hệ thống thông tin địa lý) chưa được sử dụng rộng rãi. Điều này dẫn đến việc quản lý và vận hành còn thủ công, thiếu sự đồng bộ và tốn kém chi phí.
Trong khi đó, Đồng Nai đang đối mặt với bài toán chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu lớn như phát triển hạ tầng số, quản lý đô thị tự động hóa, và nâng cao tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg vào năm 2018 nhằm thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững, mở ra định hướng rõ ràng cho các địa phương.
Để giải quyết bài toán này, Đồng Nai đang tập trung xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) liên thông để quản lý thông tin quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và vật liệu xây dựng. Hệ thống này cần được thiết kế với giao diện thân thiện, tích hợp đa nền tảng (local, web, mobile) để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cung cấp thông tin minh bạch đến cộng đồng. Đây là bước đệm quan trọng để Đồng Nai thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.
BIM cũng là một giải pháp quan trọng được Đồng Nai chú trọng. Công nghệ này cho phép tạo lập mô hình công trình và cung cấp dữ liệu đáng tin cậy trong suốt vòng đời dự án, từ thiết kế, thi công đến vận hành và tháo dỡ. Kết hợp BIM với GIS sẽ giúp hình dung rõ hơn các công trình ngoài thực địa trên môi trường ảo, hỗ trợ việc lập kế hoạch và điều chỉnh thiết kế hiệu quả hơn. Sự tích hợp này không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn giúp kiểm soát chất lượng dự án, giảm chi phí vận hành.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ khoan, kích ngầm để thi công hệ thống ngầm hóa như thông tin liên lạc, chiếu sáng và cấp thoát nước đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Công nghệ này giúp hạn chế tối đa việc đào đắp, giảm thiểu tác động đến môi trường và giao thông. Đồng thời, hệ thống chiếu sáng thông minh với cảm biến ánh sáng, điều khiển tự động cũng đang được triển khai nhằm tiết kiệm năng lượng và tăng cường an toàn sử dụng. Các giải pháp khảo sát hiện đại như thiết bị bay, lặn và siêu âm cũng được ứng dụng để đảm bảo độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian và an toàn lao động.
Phát triển giao thông xanh cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm. Do đó, Đồng Nai đang ưu tiên xây dựng các hệ thống giao thông xanh như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn góp phần thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để thực hiện thành công các giải pháp trên, Đồng Nai cần tập trung xây dựng khung pháp lý và chính sách phù hợp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành các hệ thống công nghệ cũng là yếu tố quan trọng.
Đô thị thông minh không chỉ là mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững, hài hòa giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường. Với những nỗ lực hiện tại, Đồng Nai đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Nguyễn Đức Dũng
Theo