(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng quận Tây Hồ thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm; Đầu tư cơ sở vật chất các trường học đáp ứng chuẩn Quốc gia; Nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn quận.
Toạ lạc tại số 75 Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, Chùa Võng Thị đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. |
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế - xã hội và cảnh quan đô thị của quận Tây Hồ, đồng thời, từng bước phát triển hồ Tây xứng tầm với tiềm năng sẵn có là “báu vật” của Quốc gia, lãnh đạo quận Tây Hồ đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng quận Tây Hồ tập trung thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, đặc biệt đối với các dự án cải tạo nâng cấp vườn hoa cây xanh, chỉnh trang văn minh đô thị; Đầu tư cơ sở vật chất các trường học đáp ứng chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn quận.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ xanh, thông minh, hiện đại, phát triển theo định hướng thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, UBND quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện 47 dự án đối với 25 trường công lập trên địa bàn quận có quy mô đầu tư cải tạo, sửa chữa 162 phòng học, phòng chức năng. Bên cạnh đó, xây dựng mới tăng thêm 284 phòng học, phòng chức năng tại các trường góp phần phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững, duy trì các trường công lập đạt chuẩn Quốc gia.
Đối với lĩnh vực tu bổ di tích, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện đối với 27 di tích, trong đó có 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 4 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 4 di tích chưa xếp hạng với quy mô tu bổ hạng mục gốc như: Chùa Tam bảo, Nhà tổ, Đại đình, Nghi môn... tổng diện tích khoảng 7.000m2. Ngoài ra, quận Tây Hồ cũng cải tạo xây dựng công trình mới tại các khu vực di tích như nhà ăn, nhà vệ sinh, tường rào... có tổng diện tích khoảng 1.900m2; Tu sửa cải tạo hạ tầng kỹ thuật tổng diện tích gần 37.000m2.
Trường THCS Đông Thái tại số 73 Võng Thị, quận Tây Hồ, Hà Nội. |
Nhằm nâng cao chất lượng sống của nhân dân trong khu vực, UBND quận Tây Hồ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án cải tạo nâng cấp đối với 6 chợ và 5 vườn hoa trên địa bàn quận, là cơ sở tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, kinh tế du lịch.
Về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh các dự án hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cải tạo mở rộng các tuyến đường giao thông theo quy hoạch. Hiện tại, quận đã và đang thực hiện 59 dự án có quy mô đầu tư mở rộng các tuyến đường phố ngõ theo quy hoạch với tổng chiều dài 9,9km; Cải tạo đồng bộ các tuyến vỉa hè với tổng chiều dài 10,7km; Hạ ngầm hệ thống điện, thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng với tổng chiều dài 11,7km; Cải tạo đồng bộ bao gồm mặt đường, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, sắp xếp chỉnh trang mặt ngõ và bó gọn đường dây trên địa bàn 8 phường với tổng chiều dài tuyến khoảng 135,8km.
Đến nay, bộ mặt cảnh quan đô thị của quận Tây Hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực; Các dự án được đầu tư đồng bộ đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương; Duy trì bền vững chuẩn quốc gia về giáo dục, y tế. Việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng giúp phát triển dịch vụ du lịch, công nghiệp văn hóa; Góp phần quan trọng xây dựng các phường đạt chuẩn đô thị văn minh; Nâng cao chất lượng sống của nhân dân trên địa bàn quận.
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn gặp khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ yếu khó khăn trong xác định nguồn gốc sử dụng đất, đơn giá bồi thường về đất; Quỹ nhà tái định cư còn chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ GPMB.
Đồng thời, một bộ phận người dân chưa đồng thuận với chế độ chính sách, đơn giá bồi thường dẫn đến không hợp tác, thậm chí cản trở trong công tác điều tra hiện trạng, không chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng mặc dù hệ thống chính trị các phường đã kiên trì tuyên truyền vận động thuyết phục. Việc này dẫn đến phải tổ chức cưỡng chế hành chính thu hồi đất, gây lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian thực hiện.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/08/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quận trong công tác thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ xác định rõ mục tiêu phải chủ động, sáng tạo, đoàn kết, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp cụ thể, thường xuyên xác định điểm nghẽn để có giải pháp phù hợp. Quận sẽ huy động mọi nguồn lực trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt đối với nhóm các dự án thuộc khâu đột phá về phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị; Các quy hoạch kết nối các trục không gian gồm: Trục sông Hồng, trục Hồ Tây – Ba Vì, trục Hồ Tây - Cổ Loa và trục Nhật Tân - Nội Bài.
Hà Trần
Theo