(Xây dựng) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra thông báo kết luận về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương khối Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó chỉ đạo các đơn vị bố trí, kiện toàn, sắp xếp nhân sự lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức, người lao động xong trước ngày 10/2 để có thể đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông trao quyết định thành lập Đảng bộ xã Sao Đại Việt. |
Sắp xếp nhân sự, kiện toàn tổ chức xong trước ngày 10/2
Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Kết quả sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 2 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 88 xã, 15 phường và 18 thị trấn.
Đối với sáp nhập và tinh gọn một số Sở, ngành, sau khi được Sở Nội vụ báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương khối Nhà nước của UBND tỉnh; ý kiến phát biểu, thảo luận của lãnh đạo các Sở, ngành, tổ chức, đơn vị, địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã ra Thông báo kết luận số 15/TB-UBND chỉ đạo các đơn vị khẩn trương nghiên cứu kỹ Phương án số 01-PA/TU ngày 6/1/2025 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 256-KH/TU ngày 6/12025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kịp thời cập nhật, bổ sung những nội dung cụ thể vào trong Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị hợp nhất hoặc điều chuyển chức năng nhiệm vụ phải làm việc trực tiếp với nhau để thống nhất các nội dung trong Đề án chung đảm bảo chính xác nội dung, tiến độ; kịp thời cập nhật, bổ sung các chức năng, nhiệm vụ đã được phân cấp tại các văn bản pháp luật của ngành, lĩnh vực mới ban hành để xây dựng dự thảo Quyết định quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị theo quy định.
Các đơn vị chủ động rà soát, thống nhất trước phương án tổ chức làm việc của cơ quan, đơn vị sau sáp nhập; bố trí, kiện toàn, sắp xếp nhân sự lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức, người lao động xong trước ngày 10/02 để có thể đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.
Nghiên cứu chính sách đặc thù hỗ trợ người nghỉ việc do sắp xếp
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nội vụ khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch 01/KH-UBND để thống nhất với nội dung Phương án số 01-PA/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 256-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Xem xét, quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm khoa học, công bằng, khách quan, hợp lý, nhân văn; thời gian xong trước ngày 15/1/2025.
Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Tư pháp làm việc với các Ban của HĐND tỉnh để nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đối tượng trong thực hiện thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chủ động, khẩn trương làm việc với Sở Tư pháp và các Ban của HĐND tỉnh để thống nhất về trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh trước khi tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện; thời gian xong trước ngày 15/1/2025.
Rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, phân bổ biên chế công chức đối với các Sở, ngành, địa phương, tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh biên chế viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp tổ chức bộ máy; hoàn thành trong quý I/2025.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tư pháp hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành sau khi hợp nhất, tổ chức lại; phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất về quy trình, thủ tục xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh trong thực hiện thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Xử lý trụ sở, tài sản, tài chính, ngân sách của các cơ quan sau sắp xếp
Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan liên quan xử lý tài sản, tài chính, ngân sách trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, xác định, cân đối nguồn lực để giải quyết chế độ chính sách, xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh trong thực hiện thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất việc bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài chính, tài sản cụ thể của từng cơ quan, đơn vị để tránh thất thoát, lãng phí, thực sự tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý tài sản công (bán thanh lý, chuyển giao cho cơ quan, đơn vị khác...) đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp nhất, tổ chức lại.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc diện hợp nhất, tổ chức lại trong việc xây dựng phương án chi tiết về xử lý các dự án đầu tư công để các cơ quan, đơn vị căn cứ thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.
Văn Nhất
Theo