Thứ ba 17/09/2024 08:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

15:22 | 14/09/2024

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về những nội dung liên quan để làm rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Diện mạo thành phố Bắc Ninh ngày nay. (Ảnh: TTXVN phát)

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực.

Sắp tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hướng, là bệ phóng để tỉnh phát triển mạnh mẽ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về những nội dung liên quan để làm rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh.

- Xin ông cho biết việc quy hoạch tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bắc Ninh; trong đó, định hướng phát triển không gian, lãnh thổ; phân vùng kinh tế, xác định động lực và trụ cột phát triển với các nhiệm vụ trọng tâm đột phát để phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời cũng định hướng phương án phát triển cho các ngành, lĩnh vực quan trọng và hình thành khung định hướng phát triển chiến lược, giúp tỉnh nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa lợi thế của địa phương.

Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa, sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn để sử dụng các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Đây là căn cứ để tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm, là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội; cung cấp cho các nhà đầu tư và nhân dân những thông tin cần thiết về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư.

Cùng đó, quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã khắc phục những tồn tại trong công tác quy hoạch, loại bỏ những quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội, xin ông cho biết định hướng phát triển và các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8-9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,3 - 9,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 36.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025…

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá phát triển. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể như chính sách khuyến khích, để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh; các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Bên cạnh đó, Bắc Ninh hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Xác định giáo dục đào tạo là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững, Bắc Ninh thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước, nhất là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo đó, tỉnh sẽ thu hút mạnh mẽ các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học lớn đạt chuẩn quốc tế vào 2 khu đô thị đại học và diện tích đất quy hoạch giáo dục đào tạo; thúc đẩy sớm hình thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế như công nghệ thông tin, điện tử, sản xuất bán dẫn, công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh, công nghiệp dược phẩm, y tế, logistics, du lịch như: khu đô thị thông tin tập trung, khu phức hợp nghiên cứu chuyển giao y dược…

- Là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước, xin Chủ tịch cho biết định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh trong thời gian tới?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Bắc Ninh là tỉnh phát triển công nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt những tháng đầu năm 2024, thu hút FDI của tỉnh đạt trên 3,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Trong công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam trên nền tảng sản xuất thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Tỉnh đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bắc Ninh xác định đến năm 2030, tỉnh có 21 khu công nghiệp; trong đó ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị-dịch vụ.

Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Không gian phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ gồm 4 vùng, bao gồm thung lũng công nghệ điện tử-huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp-thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới-thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao-huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Bắc Ninh tập trung phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, thúc đẩy triển khai nhanh công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, điện, nước đối với các khu, cụm công nghiệp và xem đây là khâu then chốt để thu hút các dự án đầu tư lớn. Tỉnh tập trung cao khâu chỉ đạo giải phóng mặt bằng, chú trọng cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyết liệt trong giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện phát triển trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực; khuyến khích việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp ưu tiên phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp nông thôn, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ gắn với giảm thiểu tác động môi trường,…

Bắc Ninh cũng ưu tiên dự án FDI quy mô lớn tạo hiệu ứng lan toả. Đối với đầu tư trong nước, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các dự án FDI trên địa bàn. Khuyến khích các hình thức hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, kinh nghiệm sản xuất. Cùng đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về vốn, khoa học và công nghệ, quản lý phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển.

- Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đúng lộ trình quy hoạch, tỉnh tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn quy hoạch, ngày 15/9 tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Đây là dịp để tỉnh công bố, công khai rộng rãi quy hoạch; gặp gỡ đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tổng thể hơn về tiềm năng thế mạnh cũng như khát vọng của Bắc Ninh; đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị giúp tỉnh phát triển.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Ninh tập trung hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ, nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Sau khi đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và 25 Quy hoạch phân khu, tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện những quy hoạch còn lại bảo đảm đồng bộ, sẵn sàng kêu gọi, thu hút đầu tư.

Đặc biệt, Bắc Ninh tập trung phân bổ, sử dụng tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn lực; vận động nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước để đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại thông minh; ưu tiên nguồn lực đầu tư và dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và tăng trưởng bền vững.

Một trong những giải pháp quyết liệt được tỉnh thường xuyên quán triệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực đầu tư. Với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, Bắc Ninh cam kết sẵn sàng lắng nghe và đối thoại, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư.

Ngoài ra, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất đồng thuận, quyết tâm hành động quyết liệt; tinh thần đoàn kết, trách nhiệm hiệu quả để sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà mục tiêu trước mắt là trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030 theo tiêu chí "văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá"./.

- Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Theo Thái Hùng-Thanh Thương/(TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thừa Thiên – Huế: Lên phương án “làm đẹp” cây xanh đô thị trước mùa mưa bão

    (Xây dựng) - Mùa mưa bão đang đến gần, với mật độ cây xanh dày đặc, trong đó có nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm… có nguy cơ ngã, đổ bất cứ lúc nào. Do vậy, UBND thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế) đã chỉ đạo Trung tâm công viên cây xanh Huế thống kê hiện trạng cây xanh và lên phương án cắt tỉa, hạ độ cao… nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị trong mùa mưa bão.

  • Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội: Cần một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện

    (Xây dựng) – Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống cây xanh đô thị Hà Nội, với hàng chục nghìn cây xanh bị bật gốc, gãy đổ. Trước tình hình này, việc bảo vệ và khôi phục cây xanh trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện cùng với việc nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

  • Hạ Long: Trả lại cảnh quan đô thị sau bão số 3 tại phường Cao Thắng

    (Xây dựng) – Tại phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), bão số 3 đi qua khiến đô thị tan hoang, cây đổ, vật liệu xây dựng theo bão ùn lên đường phố, thành phố đã kịp thời mở chiến dịch 7 ngày đêm thần tốc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai. Phường Cao Thắng đã huy động lực lượng, tổ chức thu dọn cây đổ, làm vệ sinh môi trường xuyên đêm, sớm trả lại cảnh quan đô thị.

  • Cần Thơ: Đến năm 2030 có thêm 5 đô thị loại IV và 1 đô thị loại V

    (Xây dựng) – Ngày 13/9, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Báo cáo số 247/BC-UBND Kế hoạch phân loại đô thị đến năm 2030 của thành phố Cần Thơ. Theo Kế hoạch đến năm 2030, thành phố Cần Thơ có 5 đô thị loại IV và 1 đô thị loại V.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load