Thứ năm 16/01/2025 04:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Xây dựng, phát triển thành phố Vĩnh Yên trung tâm của tỉnh gắn với văn hóa, văn minh đô thị

15:56 | 14/10/2020

(Xây dựng) – Đây là nội dung được đồng chí Phạm Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Bí thư thành phố Vĩnh Yên tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

xay du ng pha t trie n tha nh pho vinh yen trung tam cu a ti nh ga n vo i van ho a van minh do thi
Đồng chí Phạm Hoàng Anh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Bí thư thành phố Vĩnh Yên tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Với vị trí cửa ngõ phía Tây - Bắc của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc được xác định là một cực, trong tam giác phát triển đô thị của Vùng Thủ đô (bao gồm đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc). Nhiệm kỳ qua, với quan điểm xuyên suốt: Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tiếp cận chuẩn quốc gia, quốc tế, đồng bộ, hiện đại, trở thành “động lực”, “đầu tàu”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi liên kết vùng và cả nước.

Đặc biệt, thu ngân sách bình quân hàng năm đạt trên 30.000 tỷ đồng, là 1/16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương; đô thị phát triển cả về lượng và chất, nhất là hạ tầng khung đô thị, trong đó, có sự phát triển đột phá của đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên; không gian đô thị được mở rộng, các khu đô thị mới đã và đang hình thành, thu hút cư dân nhiều địa phương đến sinh sống, làm việc, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, góp phần hình hài rõ nét về một đô thị trẻ, năng động, hiện đại, tiện ích, an toàn.

Là thành phố trung tâm, Vĩnh Yên luôn được đón nhận sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, đã có nhiều quyết sách quan trọng cho sự phát triển tổng thể của Vĩnh Yên, như: Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chủ trương đưa các dự án phát triển đô thị về Vĩnh Yên, từng bước xây dựng một Vĩnh Yên xứng tầm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 04 về tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc. Trong đó, đô thị Vĩnh Yên được xác định là đô thị hạt nhân.

Đó chính là cơ sở, điều kiện để Vĩnh Yên phát triển; cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, được lan tỏa đến mỗi người dân về nhận thức: “Bên cạnh vinh dự, tự hào là trách nhiệm lớn lao”. Đảng bộ thành phố thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo về phát triển đô thị, quan tâm đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, đến lối sống, ứng xử, nhận thức của mỗi người dân về nhiệm vụ xây dựng đô thị. Đến nay, Vĩnh Yên đã hoàn thành 54/59 tiêu chí đô thị loại I và được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong lộ trình cả tỉnh đang nỗ lực, phấn đấu “Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh”, đô thị Vĩnh Yên còn có những hạn chế: Tổng thể phát triển chưa đồng bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật bất cập; công tác quản lý trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân, gia đình và cộng đồng, trong lộ trình phát triển.

Với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên, đồng chí Phạm Hoàng Anh đề xuất với Đại hội một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, quan tâm đến phương thức lãnh đạo đối với chính quyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp phải được cụ thể hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, đối với sự phát triển. Đặc biệt, có giải pháp, lộ trình nâng cao nhận thức của người dân Vĩnh Phúc về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển con người mới.

Trước mắt, thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; quản lý đất đai, nhà ở, cây xanh, hệ thống chiếu sáng... Có giải pháp cải thiện, nâng cao môi trường sống, môi trường làm việc, thu hút cư dân địa phương khác đến làm việc, sinh sống, từng bước tăng dân số cơ học, góp phần phát triển quy mô dân số đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai.

Thứ hai: Xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc trong tổng thể quy hoạch vùng thủ đô, cần quan tâm đến hạ tầng liên kết vùng, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và được ưu tiên. Để những mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc, rất mong Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng của vùng, các tuyến giao thông huyết mạch kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng, như: Tuyến vành đai 4 - cầu Vĩnh Hà (kết nối Hòa Lạc - Hà Nội với Yên Lạc - Vĩnh Phúc); vành đai 5 Thủ đô (kết nối với Sơn Tây - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên). Đồng thời, mở rộng các trục giao thông hướng tâm như Quốc lộ 2, 2B, 2C, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giai đoạn 2 và các nút giao, làm động lực để Vĩnh Phúc hội đủ mọi điều kiện, là trung tâm công nghiệp, logistics, đô thị phát triển, giúp cho Hà Nội cũng như vùng Thủ đô phát triển.

Thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng đô thị Vĩnh Yên trở thành đô thị loại I, hướng đến mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố Vĩnh Phúc. Cùng với các địa phương trong tỉnh, tập trung phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch, mở rộng và phát triển không gian đô thị trên cơ sở tạo "cú hích" mạnh mẽ trong phát triển, kết nối Vĩnh Yên với các địa phương bạn, gồm các tuyến giao thông vành đai và các trục đường hướng tâm. Tăng cường liên kết giữa các đô thị trung tâm Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên với các đô thị huyện lỵ Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo. Đồng thời, đẩy nhanh đầu tư phát triển khu đô thị mới Bắc Vĩnh Yên, Bắc Đầm Vạc, Nam Vĩnh Yên, chỉnh trang các khu dân cư cũ theo quy hoạch, đưa tỷ lệ đô thị hóa lên 100%.

Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân như: Hệ thống công viên, cây xanh; xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước và các công trình xử lý ngập úng cục bộ; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; nhà tang lễ. Quan tâm xây dựng các công trình kiến trúc điểm nhấn đô thị như: Trung tâm triển lãm, hội chợ; thư viện; trung tâm thương mại, tổng hợp, các khu đô thị mới...

xay du ng pha t trie n tha nh pho vinh yen trung tam cu a ti nh ga n vo i van ho a van minh do thi
Thành phố Vĩnh Yên góp phần xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh.

Với quyết tâm đó, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Vĩnh Yên cùng với cả tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 17. Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn phát triển kinh tế - xã hội với văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với phương châm: Đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai - nguồn gốc của mọi sự phát triển. Vĩnh Yên đã và đang hướng đến một thế hệ công dân toàn cầu mới, có tri thức, bản lĩnh và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Có thể khẳng định rằng: Nghị quyết Đại hội được ban hành, đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh Vĩnh Phúc, mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra sẽ có tính quyết định cho cả nhiệm kỳ tới. Những giải pháp và đề xuất trên là mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Yên đem đến Đại hội, với tâm huyết và kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo; hy vọng vào một tương lai không xa, Vĩnh Yên sẽ trở thành đô thị văn minh tầm khu vực và quốc gia; nơi thể hiện rõ nhất nét tinh hoa của đô thị Vĩnh Phúc.

Ngọc Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load