Hai bệnh viện lớn ở Hà Nam có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, do chậm tiến độ nên công trình để lãng phí dưới nắng mưa nhiều năm qua.
Khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam (Ảnh: Đức Văn - Quân Đỗ) |
Do công việc, mỗi tháng tôi có vài lần đi trên đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Lần nào cũng thế, cứ qua nút giao Liêm Tuyền, lối rẽ xuống Phủ Lý, là tôi lại thấy xúc động và cả cảm giác bùi ngùi.
Từ xa nhìn lại thấy hai khối nhà cao to rất hiện đại mọc sừng sững hai bên đường cao tốc, trên nóc có hàng chữ to: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức. Tôi xúc động vì mơ ước bao lâu nay của người dân và người trong ngành y muốn có cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, ở một nơi thoáng đãng, thuận tiện đường giao thông.
Ai cũng biết hai bệnh viện hàng đầu của miền Bắc đã quá tải như thế nào. Bệnh viện Việt Đức thì vẫn ở cơ sở cũ trên phố Phủ Doãn từ thời Pháp, diện tích gói gọn giữa 4 con phố, nằm ngay khu phố cổ, vùng lõi của Hà Nội. Người ra vào rất đông, góp phần gây nên tắc đường ở trung tâm. Vào giờ cao điểm, xe cấp cứu mang bệnh nhân nặng từ các tỉnh về cũng bị kẹt cứng, không lăn bánh được, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai cũng không khá hơn, tuy khi xưa được người Pháp quy hoạch bài bản, đặt bệnh viện ở vùng ngoại ô xa vắng của Hà Nội, ngay bên đường cái quan đi về Nam. Diện tích đất dành cho bệnh viện rất lớn, các khối nhà điều trị xây thấp tầng, có bãi cỏ vườn cây xanh ngăn cách giữa các khoa.
Tuy nhiên cuộc sống phát triển quá nhanh. Vùng ngoại ô ngã tư Vọng vắng vẻ ngày xưa nay là nội đô, ngoại ô bây giờ lùi tít ra xa hàng chục km, đến tận Văn Điển. Trong bệnh viện các khoảng đất trống đều đã được tận dụng để xây nhà mới. Sự phình to của bệnh viện Bạch Mai cũng kéo theo ùn tắc giao thông của vùng cửa ngõ phía Nam Hà Nội.
Vì thế khi dự án đưa 2 bệnh viện hàng đầu này ra khỏi nội đô Hà Nội được thực hiện thì dư luận chung rất mừng. Mừng vì đây có lẽ là lần hiếm hoi chủ trương di chuyển các bệnh viện và trường đại học ra ngoài Hà Nội được triển khai chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Vị trí chọn lựa để di chuyển hai bệnh viện xem ra cũng rất đắc địa, ở Phủ Lý (Hà Nam), ngay trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cạnh đường cao tốc, rất thuận lợi cho người dân các nơi về khám và điều trị.
Hai bệnh viện được cấp đất rộng rãi để xây dựng, không còn cái cảnh bị nhà dân lấn chiếm chật chội như trong nội đô.
Hình hài hai bệnh viện dần mọc lên, lòng dân phấn khởi vì sắp có nơi điều trị khang trang, thuận tiện. Thế nhưng sau khi xây lên được hình khối thì dự án dừng lại. Bao năm đi qua vẫn thấy y như thế, mấy tòa nhà đứng im lìm, không còn hoạt động xây dựng gì nữa. Phần ngoại thất xuống cấp dần cho dù chỉ quan sát từ xa. Trong dư luận cũng thôi không thấy nhắc đến cơ sở mới của hai bệnh viện này. Tại cơ sở cũ của hai bệnh viện trong nội đô lại thấy xây dựng tu bổ thêm.
Là một bác sĩ, tôi trải qua cảm giác từ xúc động đến bùi ngùi mỗi khi nhìn thấy hình khối của hai bệnh viện kể trên là vì như vậy.
Đến tận tháng 9/2022 báo chí đưa tin Thủ tướng đi kiểm tra 2 dự án bệnh viện dang dở ở Phủ Lý thì dư luận mới ngã ngửa ra là hai cơ sở này mới thực hiện được hơn 50% và đã dừng xây dựng từ lâu. Các phần đã xây bị xuống cấp, nội thất chưa có, máy móc y tế chưa mua. Tóm lại chỉ mới xây xong phần thô mà đã cả chục năm trời.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam (Ảnh: Đức Văn - Quân Đỗ) |
Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021", phát hành ngày 13/9/2022, nêu: Một số bệnh viện trọng điểm cấp trung ương và cấp tỉnh hoàn thành nhiều năm nhưng không đi vào khai thác, sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Một số dự án đầu tư dở dang, không cân đối được nguồn vốn để hoàn thành, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
Trên báo chí hàng ngày ta gặp rất nhiều thông tin về sai phạm trong xây dựng, đầu tư các bệnh viện. Nào là Nam Định tìm cách xử lý bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang nhiều năm; bệnh viện lao phổi Bạc Liêu hơn 200 tỷ đồng, xây xong không hoạt động; điều tra dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai…
Câu hỏi đặt ra là tại sao xây mới một cái bệnh viện lại khó khăn đến thế?
Khó khăn khách quan của việc xây bệnh viện, hay nói rộng ra là đầu tư trong y tế, là do tính chuyên ngành hẹp, ít cơ sở có đủ kinh nghiệm. Việt Nam ít có công ty chuyên thiết kế bệnh viện và kinh nghiệm cũng không có nhiều. Nên có chuyện máy móc mua về rồi mới biết là không phù hợp, bệnh viện xây rồi mới phát hiện những bất hợp lý.
Nhiều chủ đầu tư là ban lãnh đạo bệnh viện lại chỉ biết chuyên môn y tế, không có kiến thức về kinh tế và xây dựng. Từ đó dẫn đến vô vàn trục trặc trong triển khai dự án.
Khó khăn chủ quan là tệ tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận trong ngành xây dựng và ngành y. Điều này không có gì là bí mật nữa mà đã được nói công khai trên nhiều diễn đàn. Ở đâu nảy sinh tham nhũng, ở đó suất đầu tư bị bào mòn, dẫn đến công trình xây xong chưa sử dụng đã xuống cấp ngấm dột, thậm chí là không sử dụng được.
Tất nhiên không phải bệnh viện nào mới xây cũng như vậy. Trong những năm qua, nhiều bệnh viện to đẹp trang thiết bị hiện đại được xây dựng mà không có điều tiếng gì. Có thể kể một số công trình nổi tiếng: Bệnh viện quân đội 108, 103, bệnh viện quốc tế Vinmec, bệnh viện quốc tế Tâm Anh, bệnh viện quốc tế Becamex Bình Dương…
Điểm chung đầu tiên của các công trình trên là thiết kế mua trọn gói của công ty thiết kế nước ngoài. Ví dụ bệnh viện 108 là thiết kế của Hàn Quốc, bệnh Becamex Bình Dương là thiết kế của Singapore. Điểm chung thứ hai là quản lý đầu tư các bệnh viện trên là quân đội hoặc tư nhân, tức là những địa chỉ có tiếng là quản lý chặt chẽ.
Như vậy chúng ta có thể hy vọng chuyện lùm xùm khi xây dựng bệnh viện không phải là một điều gì quá khó, không thể giải quyết được.
Hình mẫu đã có sẵn: Thiết kế bệnh viện chuyên nghiệp của nước ngoài, chủ đầu tư công khai minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Mong rằng với các biện pháp mạnh mẽ như vậy, chúng ta sẽ sớm có các bệnh viện mới với chất lượng cao, chi phí đầu tư hợp lý để đưa vào phục vụ nhân dân. Và tôi mỗi lần đi qua Phủ Lý sẽ không còn cảm thấy bùi ngùi.
Theo TS Quan Thế Dân/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/xay-benh-vien-moi-sao-kho-the-20220923201229160.htm