Thứ sáu 27/12/2024 07:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vĩnh Phúc: Gỡ vướng giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án

10:45 | 07/11/2024

(Xây dựng) - Mặt bằng sạch có vai trò quan trọng để các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại nhiều dự án trong khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn, vướng mắc đang là "nút thắt" làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án quan trọng.

Vĩnh Phúc: Gỡ vướng giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án
KCN Tam Dương đang thực hiện GPMB, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động KCN.

Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Trên địa bàn tỉnh đang tập trung thực hiện bồi thường, GPMB 10 dự án KCN lớn với tổng diện tích hơn 1.987,9ha. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, là “nút thắt” trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giao các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các KCN.

Quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất, nguồn đất san nền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. Đến nay, diện tích đã thực hiện bồi thường, GPMB được 1.292,71ha, đạt 65% so với diện tích cần GPMB và rất chậm so với yêu cầu đề ra.

Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Tam Dương trở thành huyện công nghiệp của tỉnh, thời gian qua, huyện đã tập trung GPMB, phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư.

Trên địa bàn huyện Tam Dương đang thực hiện bồi thường, GPMB, tái định cư 2/3 KCN. Tại dự án KCN Tam Dương II khu A, tổng diện tích thuộc địa bàn huyện sau điều chỉnh quy hoạch lần 3 là 127,87ha; diện tích các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ 103,247ha (đạt 80,74%); còn lại 24,623 ha chưa GPMB. Dự án KCN Tam Dương I khu vực 2 với tổng diện tích quy hoạch 162,33ha, đã giải phóng mặt bằng được hơn 109ha; còn 1,2ha mặt bằng đang gặp vướng mắc.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là còn 71 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, GPMB dù phương án bồi thường, GPMB được phê duyệt từ giai đoạn 2014-2016. Huyện đã phối hợp mời các hộ chưa nhận tiền theo phương án được duyệt để chi trả tiền theo quy định nhưng các hộ không nhất trí nhận tiền, đề nghị Nhà nước xem xét bồi thường, GPMB theo giá thời điểm hiện tại.

Mặt khác, các hộ dân đã được UBND huyện Tam Dương thu hồi đất và UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, GPMB từ giai đoạn 2014-2016 nhưng đến năm 2024 mới xây dựng xong hạ tầng khu đất tái định cư, dẫn đến sự chênh lệch về giá đất giữa 2 thời điểm (thời điểm thu hồi đất năm 2014-2016 và thời điểm tái định cư hiện nay) nên các hộ dân không đồng ý nộp chênh lệch giá giữa 2 thời điểm nêu trên.

Chủ động tháo gỡ "nút thắt” mặt bằng các KCN, tại hội nghị “Phát triển bền vững KCN tỉnh Vĩnh Phúc” tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông giao các Sở, ngành và địa phương chậm nhất trong tháng 12/2024 phải hoàn thành đấu giá mỏ đất phục vụ san lấp mặt bằng KCN.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện hoàn thành việc xác định giá đất, hỗ trợ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện các dự án tái định cư để hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án; kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ công tác GPMB.

Vĩnh Phúc: Gỡ vướng giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án
Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tín hiệu thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu “Thu hút vốn đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 20 - 25 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI)”.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngày 17/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 822 phê duyệt Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh ưu tiên thu hút các công ty đa và xuyên quốc gia có thương hiệu quốc tế và các nhà cung ứng toàn cầu thuộc những ngành, lĩnh vực trọng điểm; nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội, sử dụng trình độ công nghệ tiên tiến. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và hỗ trợ, đồng hành các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã thu hút được một số dự án của các nhà đầu tư chiến lược như Công ty TNHH Polaris Việt Nam (Hoa Kỳ) có vốn đầu tư hơn 40 triệu USD với mục tiêu tập trung sản xuất mô tô, xe máy; Công ty cổ phần Signetics đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNC Tech về việc triển khai nhà máy bán dẫn tại tỉnh…

9 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác thu hút đầu tư. Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 507,94 triệu USD (28 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn), tăng 3,44% so với cùng kỳ, vượt 26,99% kế hoạch giao đầu năm. Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt hơn 4.640 tỷ đồng (13 dự án cấp mới, 7 dự án điều chỉnh vốn), bằng 84,37% kế hoạc Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Samsung Việt Nam, CNC Tech, Sumitomo, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam...

Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy, chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60 - 65%. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án, số vốn đầu tư với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 38% tổng vốn đầu tư vào các KCN.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load