(Xây dựng) – Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký ban hành Quyết định số 3072/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2024.
Thu hoạch khoai lang Bình Tân. |
Quyết định UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt Dự án liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2024. Theo đó, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc và Hộ kinh doanh Thanh Dung, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Thành Đông, Tổ hợp tác sản xuất xã Thành Trung, thực hiện liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm khoai lang với diện tích 100ha tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2024.
Mục tiêu là quản lý đuợc những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu. Đồng thời, kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cấm sử dụng và dư lượng thuốc BVTV trên nông sản xuất khẩu. Làm chủ được công nghệ và xây dựng mô hình sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản khoai lang, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính có yêu cầu chất lượng cao, mặt khác cải thiện được chất lượng và gia tăng giá trị đối với các thị trường phổ thông. Góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho bà con nông dân sản xuất khoai lang, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển nông thôn mới ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Cụ thể, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 20ha khoai lang nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất sản phẩm khoai lang. Xây dựng, chuyển giao 01 quy trình công nghệ sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản, vận chuyển phục vụ xuất khẩu khoai lang, đảm bảo chất lượng cao với thời gian bảo quản trên 30 ngày. Tư vấn và lắp đặt các thiết bị rửa, xử lý hóa lý, kho bảo quản, nhằm phục vụ xây dựng mô hình. Đưa ra quy trình công nghệ sơ chế, xử lý và bảo quản khoai lang có sự tham gia phối hợp và tiếp nhận kết quả của doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng khoai lang tạo cơ sở phát triển nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng khoai lang, duy trì và phát triển thương hiệu cây khoai lang Vĩnh Long. Xây dựng mô hình công nghệ sơ chế, xử lý, bao gói và bảo quản sau thu hoạch khoai lang đạt tiêu chuẩn đáp ứng được nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính, quy mô 02 tấn/mẻ. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn sử dụng và vận hành thiết bị, công nghê ̣sơ chế, xử lý, bao gói và bảo quản sau thu hoạch khoai lang.
Đào tạo, tập huấn nhằm phát triển nguồn nhân lực (cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, nông dân, và doanh nghiệp) nhằm phục vụ phát triển mô hình. Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển mô hình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Khi được hỗ trợ lắp đặt máy móc, thiết bị và ứng dụng quy trình sơ chế, bảo quản khoai lang sau thu hoạch giúp tăng thời gian bảo quản lên đến 30 ngày, công suất thực hiện vượt trội hơn 20%, đặc biệt sẽ giảm được tỷ lệ thất thoát khi xuất khẩu tươi và tăng lợi nhuận lên khoảng 5-10% thông qua việc xuất khẩu trực tiếp chính ngạch. Thu nhập của nông dân cũng như các thành viên trong chuỗi cũng tăng thêm ít nhất 5-10%.
Tổng kinh phí thực hiện dự án 16.051.250.000 đồng. Trong đó, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ 5.232.375.000 đồng (Hỗ trợ chứng nhận VietGAP: 200.000.000 đồng; Hỗ trợ hạ tầng nâng cấp phục vụ liên kết 4.099.875.000 đồng (gồm hỗ trợ cải tạo và nâng cấp nhà xưởng 1.200.000.000 đồng; Hỗ trợ thiết bị cho mô hình nhà đóng gói, sơ chế và xử lý củ khoai lang 2.899.875.000 đồng); Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi: 640.000.000 đồng; Hỗ trợ vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm 292.500.000 đồng). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Đối ứng của các bên tham gia liên kết: 10.818.875.000 đồng.
UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các bên tham gia hợp đồng dự án liên kết thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung cam kết của hợp đồng, quyền hạn, trách nhiệm được quy định trong dự án liên kết, đồng thời chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng. Tuân thủ các quy định Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện dự án liên kết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định phê duyệt dự án đến chủ đầu tư, các bên tham gia, UBND huyện Bình Tân, các xã trong dự án liên kết và các sở, ban, ngành có liên quan được biết. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký vốn hàng năm để thực hiện dự án; tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện dự án hàng năm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác. Phối hợp với UBND huyện Bình Tân kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện các nội dung trong dự án đã được phê duyệt đúng quy định; phối hợp thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện dự án; Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện về UBND tỉnh sau khi kết thúc dự án.
Dự án liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2024 sẽ mở ra hướng mới cho nghề trồng khoai lang huyện Bình Tân. Vì hiện nay, Bình Tân được mệnh danh là “vương quốc khoai lang” vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa là khoai lang đặc sản ngon vừa có diện tích lớn nhất 10.500 - 11.000ha, với sản lượng từ 300.000-400.000 tấn. Tuy nhiên, những năm vừa qua nghề trồng khoai lang chưa hợp tác liên kết xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ khoai lang nên giá cả bấp bênh, người trồng khoai gặp nhiều khó khăn.
Huỳnh Biển
Theo