Thứ năm 21/11/2024 16:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư

09:19 | 08/11/2024

(Xây dựng) – Từ đầu năm 2024 tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 51 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.979 tỷ đồng, trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI. Riêng trong tháng 10, tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư, đây là những tín hiệu khởi sắc trong thu hút đầu tư của tỉnh trong những tháng cuối năm.

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định, chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát triển trong thời gian sắp tới. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra, ngay từ đầu năm UBND tỉnh Bình Định tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Phát huy tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và có mặt trong nhóm những tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là điều kiện, tiền đề cần thiết để Bình Định cất cánh vươn lên, trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng.

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư
Lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo Tập đoàn PNE khảo sát vùng biển Bình Định để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: “Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tập trung cho giai đoạn phát triển mới, là tỉnh phát triển sau nhưng chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đi trước; tiếp thu vận dụng những tiến bộ, các thành tựu trong xây dựng và phát triển của các địa phương trong nước và thế giới để có những bước đột phá nhằm xây dựng tỉnh Bình Định trở thành một tỉnh phát triển phồn vinh, hiện đại trong 10 năm tới”.

Trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao là trụ cột phát triển quan trọng của tỉnh trong thời kỳ tới. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông – lâm – thủy sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo… tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.

Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho hay: Phát huy lợi thế của vùng, tiềm năng sẵn có của địa phương, thời gian qua tỉnh Bình Định tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh,... đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư.

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư
Khu công nghiệp Nhơn Hòa được xây dựng hạ tầng hiện đại thu hút nhiều nhà nhà đầu tư.

Từ đầu năm 2024 tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 51 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.979 tỷ đồng; trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI. Phân theo lĩnh vực, có 40 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 04 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 02 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics; 02 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng; 02 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ - du lịch và 01 dự án bất động sản và kinh tế đô thị.

Ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế có 35 dự án đầu tư ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, tập trung chủ yếu ở địa bàn như: Huyện Tây Sơn (10 dự án); Thị xã Hoài Nhơn (07 dự án); Huyện Phù Mỹ (05 dự án); Thị xã An Nhơn (04 dự án)…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định Nguyễn Bay, với cảng biển quốc tế và hệ thống giao thông thuận lợi, Bình định đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Địa phương đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư

Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn không ngừng nỗ lực cải cách hành chính nhằm nâng cao tính năng động của chính quyền. Chính quyền địa phương luôn nâng cao tính minh bạch, đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết các vấn đề, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án… từ đó đã đưa Bình Định trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Điển hình như tại Khu công nghiệp Becamex, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, từ một khu vực còn nhiều khó khăn, đến nay Becamex VSIP Bình Định đã trở thành một khu công nghiệp - đô thị hiện đại, năng động với hệ thống hạ tầng đồng bộ, dần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư
Trang trại điện gió được đầu tư ở Khu kinh tế Nhơn Hội. (Ảnh: Dũng Nhân)

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Becamex Bình Định Nguyễn Văn Lăng chia sẻ: “Có được kết quả này là nhờ những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương, từ chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, đến những thay đổi về thủ tục hành chính, song hành với công tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng”.

Có thể thấy, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định gần đây đã có nhiều sôi nổi, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh tổ chức thường xuyên, rộng khắp và có tính lan tỏa. Lãnh đạo tỉnh cùng Tổ xúc tiến đầu tư đã đến tận các nhà máy, công ty, tập đoàn lớn của một số nước để tìm hiểu và kêu gọi đầu tư vào các thế mạnh của tỉnh, cùng với đó tỉnh đã mời các tổ chức uy tín như JICA, KOICA, AmCham, VKBIA, Daewon, Lotte… về khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định; đồng thời làm cầu nối đến các nhà đầu tư tiềm năng khác trên toàn thế giới.

Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tỉnh Bình Định xác định phương châm “đi trước một bước” trong chuẩn bị hạ tầng kinh tế - xã hội và cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: “Bình Định luôn quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Hiện Bình Định là một trong những địa phương có thời gian giải quyết thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng nhanh nhất cả nước”.

Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư
Sau 3 năm xây dựng và phát triển tại Bình Định, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đã trở thành 1 khu công nghiệp - đô thị hiện đại.

Đúng như người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định khẳng định, hiện nay tỉnh Bình Định đã rút ngắn hơn một nửa thời gian giải quyết của các thủ tục, từ chấp thuận chủ trương đến khi có giấy phép xây dựng. Cụ thể, thời gian giải quyết các thủ tục đối với các dự án trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp lần lượt là 60 ngày (theo quy định là 145 ngày) và 118 ngày (theo quy định là 242 ngày). Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với các dự án ngoài khu công nghiệp là 98 ngày (thực hiện đồng thời và nằm trong 118 ngày làm thủ tục đầu tư). Thời gian xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp đã có bảng giá đất và không phải xác định hệ số điều chỉnh giá đất là 3 ngày).

Theo ông Nguyễn Bay, để tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, với chức năng công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư toàn tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư sẽ tập trung rà soát danh mục các dự án mời gọi đầu tư, điều chỉnh bổ sung đưa ra khỏi danh mục những dự án đã có nhà đầu tư hoặc không khả thi; thường xuyên thu thập, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về chính sách thu hút đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư... cho các đối tác của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tổ chức hoạt động kết nối đầu tư.

“Chủ động chuẩn bị, đàm phán hàng loạt các nhà đầu tư lớn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các doanh nghiệp đầu tư thành công”, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho hay.

Mặc dù công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được những kết quả nhất định, song tỉnh Bình Định cũng gặp không ít khó khăn bởi nhiều yếu tố tác động bên trong lẫn bên ngoài. Có thể kể đến như tình hình địa chính trị trên thế giới đang có những biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình mở rộng hoặc đầu tư mới.

Đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Năm 2024, tính đến nay tỉnh chỉ mới có thêm 02 dự án FDI, vốn 83 triệu đô la); Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao trong thời điểm này nên doanh nghiệp thận trọng đầu tư mới; Nhiều luật pháp thay đổi nhất là liên quan đến đấu thầu, đấu giá, xác định giá đất, thủ tục liên quan nên phải có thời gian chuẩn bị…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, dấu hiệu hiện nay khởi sắc, hồ sơ nộp vào nhiều, công tác đấu giá đã chuẩn bị xong nên hy vọng 2 tháng cuối năm được tăng tốc.

Tỉnh Bình Định quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực của tỉnh trên nhiều phương diện như cơ sở hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực… để thu hút nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Hiện, tỉnh Bình Định ưu tiên mời gọi đầu tư vào 07 lĩnh vực, gồm:

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản: Các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng; chế biến thủy sản; chế biến nông, lâm sản.

Lĩnh vực công nghiệp: Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các nhà máy sản xuất linh kiện, sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất động cơ điện chuyên dùng; sản xuất dây và cáp điện, thiết bị và phụ kiện điện; sản xuất mặt hàng thời trang và sản phẩm da giày cao cấp; các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...).

Lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics: Cảng nước sâu, Trung tâm logistics ở huyện Phù Mỹ; cảng cạn ICD, logistics ở các huyện Vân Canh và Tuy Phước.

Lĩnh vực du lịch: Khu du lịch Tân Thanh, huyện Phù Cát; Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội, Khu du lịch Eo Vượt, Khu du lịch sinh thái vịnh Thị Nại đều thuộc thành phố Quy Nhơn; Sân golf tại huyện Tây Sơn; Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Vĩnh Sơn, Khu du lịch sinh thái huyện Vĩnh Thạnh; Khu du lịch sinh thái La Vuông (thị xã Hoài Nhơn).

Lĩnh vực kinh tế đô thị: Khu đô thị Nam Đề Gi và Bắc Đề Gi; các khu đô thị phía Đông vịnh Thị Nại, thành phố Quy Nhơn.

Lĩnh vực y tế, giáo dục: Mời gọi các dự án đầu tư bệnh viện quốc tế, trường liên cấp song ngữ quốc tế.

Lĩnh vực công nghệ thông tin: Mời gọi các dự án sản xuất phần mềm; trung tâm dữ liệu (Big Data); các dự án linh kiện bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng...

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025 tiết kiệm năng lượng từ 1,5 - 1,7%

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025.

  • Hai Bà Trưng (Hà Nội): Giải ngân vốn đầu tư công vượt cao so với kế hoạch Thành phố giao

    (Xây dựng) – Công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được coi là nhiệm vụ chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì vậy, trong năm 2024, UBND quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công... Nhờ đó, công tác đầu tư năm 2024 trên địa bàn quận tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, quận đã thực hiện giải ngân đạt 73% so với kế hoạch vốn của quận giao và đạt 122% so với kế hoạch vốn Thành phố giao; dự kiến năm 2024 đạt 100% kế hoạch vốn quận giao, vượt cao so với kế hoạch vốn Thành phố giao.

  • Nhà đầu tư Việt đón nhận báo cáo bền vững

    (Xây dựng) - Báo cáo bền vững đã và đang trở thành yếu tố hết sức quan trọng đối với tính minh bạch của tổ chức và lựa chọn đầu tư trên toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam đang lớn mạnh. Nhà đầu tư Việt có đang dùng các báo cáo bền vững để đưa ra quyết định hay không?

  • Thừa Thiên - Huế: Xin ứng trước 467 tỷ đồng thực hiện 7 dự án quan trọng

    (Xây dựng) - Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 20, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất thông qua chủ trương ứng trước ngân sách tỉnh với số tiền 467 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2024, đề ra nhiệm vụ năm 2025

    (Xây dựng) - Chiều 20/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030.

  • Hà Nội: Xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký Văn bản số 3845/UBND-KTTH về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load