Thứ sáu 08/11/2024 17:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Quản trị doanh nghiệp ngành Nước: Chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình thông minh, phù hợp với xu thế phát triển

15:05 | 08/11/2024

(Xây dựng) – Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Quản trị doanh nghiệp ngành Nước thông minh, hiệu quả và tăng khả năng chống chịu” do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) tổ chức chiều 7/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2024.

Quản trị doanh nghiệp ngành Nước: Chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình thông minh, phù hợp với xu thế phát triển
Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp phát biểu tại Hội thảo.

Theo các chuyên gia, những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ làm xuất hiện những xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Vì vậy, việc chuyển đổi từ mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị thông minh đang được xem là yêu cầu cấp thiết của mọi doanh nghiệp ở các quốc gia cũng như phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới.

Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng tác động bất lợi đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành Nước nói chung và doanh nghiệp ngành Nước Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, làm xuất hiện những xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng...

Ông Nguyễn Ngọc Điệp mong rằng, thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp hội viên VWSA sẽ có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản trị thông minh, nhất là kinh nghiệm tăng khả năng chống chịu trước những tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Nước Việt Nam.

Nhận định về thách thức và cơ hội đối với các Công ty cấp thoát nước, hướng tới khả năng phục hồi tốt hơn trong tương lai, Chủ tịch Hội Nước Australia Peter Dennis đánh giá, những thách thức của ngành Nước được chia theo từng cấp độ và lĩnh vực có liên quan. Hiện nay, nguồn nước tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng và chất lượng. Thêm vào đó là việc hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa được cải tạo chỉnh trang và thiếu nhiều sự tham gia của khu vực tư nhân…

Theo ông Peter Dennis, những thách thức chính liên quan đến chi phí, cụ thể như khả năng chi trả của khách hàng; chi phí vận hành… Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chính sách bền vững, đúng đắn để cung cấp dịch vụ hiệu quả; có kế hoạch tốt và ngày càng minh bạch hơn trong lựa chọn dự án; linh hoạt trong mua sắm trang thiết bị…

Quản trị doanh nghiệp ngành Nước: Chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình thông minh, phù hợp với xu thế phát triển
Quang cảnh Hội thảo.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước ở Nhật Bản, đặc biệt là việc phục hồi tài nguyên và thoát nước mưa, ông Norihide Tamoto, Chuyên gia cố vấn về chính sách thoát nước, thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, việc phát triển hệ thống thoát nước tại Nhật Bản tập trung vào việc tiêu thoát nước mưa trong thành phố một cách nhanh chóng. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng điều kiện vệ sinh xuống cấp do nước mưa đọng lại kéo dài trong thành phố.

Như tại Nhật Bản, các dự án xây dựng công trình thoát nước, xử lý nước thải, trong đó có thoát nước mưa thuộc trách nhiệm của Chính phủ thay vì thuộc trách nhiệm của khu vực tư nhân. Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải và chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của các cơ sở hạ tầng đó.

Theo ông Norihide Tamoto, Luật Quy hoạch hiện hành của Việt Nam quy định các tỉnh thành phố không trực thuộc Trung ương không được phép lập quy hoạch thoát nước chuyên ngành. Để thực hiện thoát nước mưa, mỗi tỉnh, thành phố cần có quy hoạch thoát nước riêng.

Do đó, ông Norihide Tamoto khuyến nghị, trước tiên, chính quyền các địa phương cần bảo đảm nguồn tài chính và thiết lập nguyên tắc kế toán; đảm bảo việc quy hoạch và mục tiêu thoát nước mưa. Việt Nam cũng cần thành lập các hội đồng liên quan đến thoát nước đô thị để các bên liên quan thông qua đó, trao đổi ý kiến và thống nhất các biện pháp ứng phó thiệt hại do ngập úng…

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề liên quan như: Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành Nước; nhu cầu nâng cao năng lực trong lĩnh vực nước thải và các cơ hội đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động thông qua giáo dục nghề nghiệp; những thành tựu của ngành Nước Việt Nam và triển vọng trong tương lai - góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu; giới thiệu các giải pháp công nghệ và vật tư, thiết bị tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thái Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load