Thứ năm 25/04/2024 16:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam tham gia khởi động "sân chơi" chiếm 40% GDP thế giới

11:10 | 25/05/2022

Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội nào khi là một trong 13 thành viên tham gia ngay từ đầu quá trình thảo luận để thành lập Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)?.

viet nam tham gia khoi dong san choi chiem 40 gdp the gioi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngày 23/5 tại Nhật Bản, Hoa Kỳ cùng 12 nước đã dự lễ công bố khởi động thảo luận "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng IPEF".

Các nước tham gia ban đầu gồm: Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ. 13 nền kinh tế này nếu cộng lại, sẽ tương đương với 40% GDP thế giới.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự kiện này sẽ khởi động và thúc đẩy các nước cùng nhau tích cực trao đổi, thảo luận nghiêm túc, chung tay xử lý các vấn đề quan trọng có tính khu vực và toàn cầu…

Lúc này đây, câu hỏi nhiều người đặt ra: IPEF là gì? Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội nào khi là một trong 13 thành viên tham gia ngay từ đầu quá trình khởi động thảo luận để thành lập khuôn khổ kinh tế mới này?

Khung kinh tế IPEF do Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng, được xem là một bộ phận quan trọng, cùng với trụ cột an ninh của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khuôn khổ này sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính để thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao. Trụ cột đầu tiên là thương mại, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Trụ cột thứ 2 là chuỗi cung ứng; thứ 3 là năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng thúc đẩy việc làm lương cao. Trụ cột thứ 4 là thuế và chống tham nhũng.

Hoa Kỳ đã tiến hành tham vấn với các nước khu vực từ cuối 2021 và đây là một quá trình không dễ dàng, dù chính các nước khu vực, nhất là ASEAN, từ lâu yêu cầu Mỹ cần bổ sung trụ cột kinh tế song hành với an ninh, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP) vào đầu năm 2017.

Chúng ta biết rằng vì những vấn đề chính trị nội bộ nên Hoa Kỳ đã rút khỏi CPTPP và chắc sẽ khó tái gia nhập. CPTPP là một hiệp định thương mại nên quá trình đàm phán và phê chuẩn đòi hỏi thông qua nhiều cấp, trong đó có Quốc hội. Giả sử bên Hành pháp muốn đưa nước Mỹ quay lại CPTPP thì rất có thể sẽ gặp phải sự phản đối của Quốc hội. Còn IPEF được thiết kế theo hướng Hành pháp, đặt dưới quyền của Tổng thống nên quá trình thảo luận và phê chuẩn sẽ tập trung đầu mối hơn.

Dù IPEF chưa phải là một thỏa thuận thương mại kiểu như CPTPP, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội mới giữa các nước hợp tác với Hoa Kỳ - nền kinh tế hàng đầu thế giới, mà trước hết là về gắn kết các chuỗi cung ứng, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số chất lượng cao, bền vững. Đây là những lĩnh vực kinh tế của tương lai. Ngoài ra, khung kinh tế IPEF cũng cho thấy Hoa Kỳ ưu tiên gắn kết với khu vực, cả về kinh tế và an ninh. Điều này sẽ khuyến khích các tập đoàn và khu vực tư nhân Hoa Kỳ tham gia làm ăn và đầu tư nhiều hơn ở khu vực. Tất nhiên, các nước tham gia thảo luận cũng sẽ phải làm rõ, thông qua IPEF, Hoa Kỳ cam kết gì về mở cửa thị trường của nước này?.

viet nam tham gia khoi dong san choi chiem 40 gdp the gioi
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu theo hình thức trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Điều dễ nhận thấy là IPEF có tới 7 nước trong ASEAN, nghĩa là Hoa Kỳ muốn khởi đầu khuôn khổ kinh tế mới này trước hết với các nước chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á. Và so với CPTPP thì IPEF có thêm một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc… Các nước tham gia hội đàm để thành lập Khung kinh tế mới này, xuất phát từ lợi ích của mình, sẽ có những mối quan tâm khác nhau. Bên cạnh cơ hội thì tôi cho rằng sẽ có những lo ngại về "bẫy cạnh tranh nước lớn".

Về phía Trung Quốc, rất có thể giới chuyên gia nước này sẽ nhận định IPEF là một cách để Hoa Kỳ "lôi kéo" các nước về kinh tế, thương mại, công nghệ. Như vậy cách ứng xử phù hợp chính là cách mà ASEAN đã áp dụng: "Chơi được với cả hai, tranh thủ mặt phù hợp của mỗi bên".

Lễ công bố khởi động thảo luận Khung kinh tế IPEF là bước tham vấn chung, sau đó các nước sẽ đi vào thương lượng cụ thể. Đây là một sáng kiến mở, nghĩa là có thể mời các nước khác tham gia sau này. Theo tôi, Việt Nam tham gia ngay từ đầu quá trình tham vấn là một điều rất tốt. Chúng ta có thể góp phần định hình "luật chơi" và "cuộc chơi" IPEF, tranh thủ mặt phù hợp của các sáng kiến khác nhau, bao gồm CPTPP và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand).

IPEF có cả giá trị về địa kinh tế và về địa chiến lược, điều mà các nước cần và có thể tranh thủ. Tuy nhiên đây mới chỉ là sự khởi đầu, chúng ta sẽ có thời gian để quan sát thêm sự vận động của Khung kinh tế mới này.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load