(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) cho thấy, Việt Nam đã hủy bỏ 9,6GW các dự án nhiệt điện than được đề xuất từ tháng 1 – 5/2023. Đây là lần hủy bỏ các nhà máy nhiệt điện than được đề xuất lớn nhất của một quốc gia trong năm nay.
Việt Nam đã hủy bỏ 9,6GW các dự án nhiệt điện than được đề xuất từ tháng 1 – 5/2023. |
Theo ước tính của Global Energy Monitor, có khoảng 20 – 25GW công suất nhiệt điện than được đề xuất đã chính thức bị hủy bỏ, hoặc được cho là bị hủy bỏ ở các quốc gia ngoài Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2023. Trong đó, mức giảm 9,6GW của Việt Nam từ tháng 1 – 5/2023 chiếm gần một nửa công suất bị hủy bỏ và nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Nhà nghiên cứu Lucy Hummer của Global Energy Monitor cho biết: “Mặc dù thật tốt khi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng trước một số rủi ro tiềm ẩn. Việc chuyển đổi từ than đá sang khí đốt, hoặc chuyển đổi các nhà máy điện đốt than sang đốt sinh khối hoặc amoniac trong dài hạn có thể chứng minh là không khả thi về mặt kinh tế, cũng như làm tăng lượng khí thải gây rủi ro khí hậu. Việt Nam nên xem xét mọi lựa chọn có sẵn để chuyển từ than đá sang năng lượng sạch mà không lãng phí chi tiêu cho khí đốt, sinh khối hoặc amoniac”.
Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng của nhiệt điện than trong sản xuất năng lượng nội địa dự kiến sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030 từ mức 1/3 hiện tại. Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đang có 25,9GW công suất điện than hoạt động. Công suất này được dự đoán sẽ đạt mức cao nhất là 30.127MW vào cuối thập kỷ này. Sau đó, Việt Nam sẽ giảm dần công suất theo mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá vào năm 2050.
Vào cuối năm 2022, nhóm các nước G7 đã đạt được sự đồng thuận về gói tài trợ trị giá 15,5 tỷ USD có tên là Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực chuyển đổi năng lượng. Là một phần của thỏa thuận này, Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030, thay vì mục tiêu đặt ra trước đó là năm 2035.
Global Energy Monitor khuyến nghị Việt Nam nên xem xét các lựa chọn phát triển năng lượng sạch thay cho điện than. |
Cũng theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng 6,1GW với 6 dự án điện than được liệt kê là “đang xây dựng”. Tuy nhiên, tất cả dự án điện than khác đang được phát triển ở Việt Nam sẽ phải bị hủy bỏ để tuân thủ thỏa thuận JETP.
Đáng chú ý, báo cáo của Global Energy Monitor đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phải hủy bỏ thêm 4GW của các dự án điện than khác vẫn đang được xem xét để phù hợp với các điều khoản đã thỏa thuận trong khuôn khổ JETP. Bất kỳ dự án nào vượt quá mức bổ sung công suất 6GW đã thỏa thuận nên được thay thế bằng các giải pháp năng lượng tái tạo khác.
Phương Trang (ảnh: Internet)
Theo