(Xây dựng) - Trong suốt chiều dài lịch sử, ngành Xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành Xây dựng. Tiên phong đi đầu là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Góp phần quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng
Được thành lập ngày 01/10/1979, với công suất ban đầu chỉ hơn 700.000 tấn/năm, đạt 1,4 triệu tấn năm 1994, đến nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, VICEM trở thành DN sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á, với 7 thương hiệu mạnh, 10 công ty sản xuất xi măng, cùng 16 dây chuyền sản xuất hiện đại tiên tiến, năng lực sản xuất xi măng trên 31 triệu tấn/năm.
10 nhà máy xi măng trải khắp chiều dài đất nước, từ vùng núi trung du miền Bắc có VICEM Sông Thao, miền đồng bằng có nhà máy VICEM Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, miền Trung có VICEM Bỉm Sơn, Hoàng Mai… đến miền Nam là VICEM Hà Tiên…
Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, xi măng được phục vụ quốc phòng; “Mỗi bao xi măng lúc này thật sự là vũ khí. Không phải là xi măng xây sân, xây bể mà là xi măng Hải Phòng phục vụ cho quốc phòng. Nhờ có xi măng Hải Phòng mà mấy năm qua bớt được bao nhiêu xương máu của chiến sĩ, đồng bào” như lời đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam nhắn nhủ. Thì trong thời bình, xi măng mang thương hiệu VICEM góp phần quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước. Xi măng VICEM có mặt ở hàng loạt các công trình lớn, trọng điểm, công trình đặc biệt quan trọng của đất nước như Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Thác Bà, cầu Thăng Long, xi măng xây dựng Lăng Bác, các nhà máy, các công trình cầu cảng lớn, đường cao tốc… đến cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Bên cạnh đó, VICEM luôn được Chính phủ, Bộ Xây dựng giao thêm việc tiếp nhận và tái cơ cấu các nhà máy của địa phương, các Tổng công ty khác hoạt động chưa hiệu quả như: Xi măng Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình, Xi măng Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An, Xi măng Hải Vân của TP Đà Nẵng, Xi măng Hạ Long của Tổng công ty Sông Đà và Xi măng Sông Thao của Tổng công ty HUD. Sau khi các nhà máy xi măng này được Chính phủ giao về VICEM tiếp nhận, quản lý, VICEM đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện, từng bước hoạt động có hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo, xử lý nút thắt dây chuyền công nghệ
Đổi mới sáng tạo, xử lý nút thắt dây chuyền công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí sản xuất được VICEM đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Điển hình trong đổi mới sáng tạo, đó là tháng 3/2022, VICEM đã chỉ đạo VICEM Hoàng Mai thực hiện thành công việc sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý “nút thắt” nâng năng suất lò nung từ 4.000 tấn clinker/ngày được nâng lên 4.500 tấn clinker/ngày, lượng tiêu hao nhiệt sản xuất clinker giảm khoảng 40 KCal/kg clinker. So với thời điểm trước đó, sau đợt cải tạo này đem lại cho VICEM Hoàng Mai mỗi năm xấp xỉ 50 tỷ đồng.
Dấu mốc này đã mở ra bước ngoặt mới cho VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai nói riêng trong việc kiểm soát và tự thay thế thiết bị, công nghệ; không phụ thuộc vào nước ngoài. Đây cũng là chương trình đầu tiên do đội ngũ cán bộ kỹ thuật VICEM nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện, tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch, chứng minh việc hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất xi măng của đội ngũ kỹ thuật Tổng công ty, khẳng định hiệu quả chủ trương đổi mới sáng tạo của VICEM.
Đây là một phần trong chương trình đổi mới sáng tạo của VICEM, góp phần không nhỏ trong việc hướng tới sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu là các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, nhiên liệu thay thế. Toàn bộ vật tư, thiết bị cho sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt được các đơn vị trong nước gia công, chế tạo và lắp đặt 100%, mở đầu cho khát vọng “nội địa hóa” thiết bị ngành Xi măng.
Chuyển đổi sản xuất xanh, triển khai kinh tế tuần hoàn
Trong bối cảnh thách thức gay gắt khi ngành Xi măng cung vượt xa cầu, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, nguồn nguyên nhiên liệu không tái tạo như đá vôi, than đá… ngày càng cạn kiệt; VICEM và các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả, triển khai kinh tế tuần hoàn.
Hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả cao như xử lý "nút thắt" dây chuyền công nghệ; thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường. Các đơn vị đi đầu là VICEM Hoàng Thạch; VICEM Hà Tiên; VICEM Bút Sơn, VICEM Bỉm Sơn…
VICEM Hà Tiên là đơn vị tiên phong đầu tư chuyển đổi công nghệ, sử dụng nhiên liệu “xanh” thay thế trong sản xuất xi măng và clinker, hướng tới phát triển bền vững với khẩu hiệu "Sản xuất không đánh đổi môi trường". Công ty sử dụng chất thải của ngành công nghiệp khác như tro bay, hạt nix, xỉ làm nguyên liệu sản xuất; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, đưa vào sử dụng thành công hệ thống đốt vỏ bã hạt điều và đốt rác thải công nghiệp thông thường tại lò nung nhà máy xi măng Bình Phước, Kiên Lương. Sử dụng 100% dầu điều thay thế cho dầu DO để sấy lò; đưa tro bay, xỉ lò cao vào sản xuất với tỷ lệ sử dụng từ 5 - 15%, giúp giảm hệ số clinker factor…
Là một trong những DN tiên phong trong ngành Xi măng chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả, triển khai kinh tế tuần hoàn, từ năm 2020, VICEM Bút Sơn đã sử dụng sử dụng chất thải từ các ngành công, nông nghiệp khác (bùn thải, rác thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét, than...) nhằm giảm giá thành sản xuất; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường cho đất nước.
VICEM Bút Sơn được Bộ TN&MT cấp Giấy phép cho sử dụng chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. VICEM Bút Sơn thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng…
Thời gian tới, VICEM Bút Sơn đẩy mạnh triển khai với mục tiêu đạt tỷ lệ thay thế nhiệt lên đến 40 - 50%, sử dụng chất thải đa dạng, nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo. VICEM Bút Sơn đã khởi công xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải cho hai dây chuyền sản xuất clinker. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp VICEM Bút Sơn tự chủ được 25 - 30% điện cho sản xuất, giảm bụi và nhiệt phát thải ra môi trường.
Tái cấu trúc ngành, hướng đến phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, để tiếp tục phát triển, lớn mạnh; ngành Xi măng Việt Nam nói chung và Tổng công ty Xi măng Việt Nam nói riêng, cần tập trung chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng ưu tiên phát triển DN có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, giảm định mức tiêu hao, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên. Triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng; nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng.
Thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, VICEM đã và đang vươn tầm mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong ngành Xi măng Việt Nam, là DN đi đầu trong khoa học công nghệ; là “cái nôi” đào tạo hàng loạt cán bộ công nhân giỏi của ngành Xi măng. VICEM đang đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Vũ Huyền
Theo