(Xây dựng) - Trong lịch sử hơn 120 năm xây dựng và phát triển, chưa bao giờ ngành Xi măng khó khăn như hiện nay. Thị trường BĐS chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án chậm triển khai, đầu tư công chậm giải ngân… đặc biệt là nguồn cung xi măng dư thừa lớn, tiêu thụ xi măng chậm, cạnh tranh giữa các thương hiệu xi măng diễn ra gay gắt.
Quản lý chặt định mức trong sản xuất, giảm chi phí
Ngay từ đầu năm, xác định năm 2023 là năm khó khăn, sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; thị trường nội địa mất cân đối cung - cầu nên lãnh đạo VICEM Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt, đề ra các giải pháp đồng bộ, chủ động trong sản xuất và tiêu thụ, để vượt qua khó khăn.
Tổng giám đốc VICEM Hải Phòng Trần Văn Toan cho biết: Ngoài rà soát, chuẩn bị vật tư thiết bị, nhân lực tốt nhất để sửa chữa hệ thống lò nung vào tháng 01/2023, DN tiếp tục quản lý chặt chẽ các định mức trong sản xuất, nâng cao năng suất hệ thống nghiền xi măng, tập trung giải pháp giảm định mức tiêu hao, tăng tỷ lệ phụ gia xi măng, ứng dụng khoa học, tiết kiệm chi phí, chủ động linh hoạt trong sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn than cám, phải sử dụng than phẩm chất thấp, sử dụng cám 4b và thấp hơn... song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự cố gắng tại mỗi vị trí sản xuất, làm tốt công tác thăm khám, bảo dưỡng, kiểm soát thiết bị, điều chỉnh tối ưu thông số vận hành, ứng dụng các đề tài, sáng kiến trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Những năm gần đây, để hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng cho nhiều công trình, dự án lớn trên thị trường, Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh công tác áp dụng công nghệ thông tin, hợp lý hóa trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm có tính năng vượt trội có chất lượng tốt, dễ thi công đảm bảo chất lượng cho mọi công trình.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Với mong muốn phát triển xanh, bền vững, xử lý triệt để nút thắt công nghệ; tiến tới tận dụng nhiệt thừa phát điện, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, VICEM Hải Phòng đã thực hiện cải tạo lớn, nâng năng suất lò và tạo đột phá trong sản xuất, từ tháng 3/2020.
Theo Tổng giám đốc VICEM Hải Phòng Trần Văn Toan, việc nâng công suất lò nung mang lại hiệu quả thực sự về kinh tế, môi trường. Tiếp tục duy trì, kiểm soát hệ thống quan trắc online bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất; giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, giúp DN tăng năng suất lò nung, giảm chi phí biến đổi và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, nâng cao thương hiệu VICEM Hải Phòng. Trải qua gần 125 năm xây dựng và phát triển, Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng với nhãn hiệu “Con Rồng” đã luôn tự hào là DN cung ứng xi măng hàng đầu cho các công trình, dự án trọng điểm như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, Thuỷ điện Hoà Bình, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… VICEM Hải Phòng tiên phong cung ứng xi măng chất lượng với tính năng nổi trội, để phục vụ các công trình đặc thù, hạ tầng nông thôn và xuất khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, VICEM về đề án tái cấu trúc, cổ phần hóa DN, thời gian qua, VICEM Hải Phòng đổi mới sắp xếp, cơ cấu tổ chức, rà soát lao động, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cuối năm 2017, số CBCNV Công ty là 935 người (nữ 211 người), đến cuối 2022 giảm còn 770 người (nữ 175 người) chiếm 22,7%.
5 năm qua, cơ cấu tổ chức sản xuất sắp xếp hợp lý, sản phẩm tiêu thụ tăng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, thu nhập của người lao động trong 5 năm tăng 89,3%, năm 2017 tiền lương bình quân là 11,89 triệu đ/người/tháng; năm 2022, đạt 22,51 triệu đ/người/tháng.
Đẩy mạnh xi măng vào các dự án lớn
6 tháng cuối năm 2023, VICEM Hải Phòng sẽ tập trung phát triển thị trường tại các địa bàn cốt lõi, tiếp tục mở rộng thị phần và địa bàn tiêu thụ. Xúc tiến cấp xi măng rời vào dự án lớn. Tiếp tục khai thác thêm những trạm trộn mới để thúc đẩy bán hàng, gia tăng sản lượng; tập trung bám sát kênh phân phối và hệ thống cửa hàng.
Phối hợp đàm phán đơn hàng trong tháng 6/2023, nhằm duy trì sản lượng xuất khẩu và giảm tồn clinker đổ bãi, bán clinker. Linh hoạt chính sách bán hàng theo thực tế thị trường.
Tăng cường truyền thông đến khách hàng về quy định quản lý xi măng tại địa bàn; kiểm soát hàng hóa về đúng địa bàn, không để xảy ra bán trái tuyến; Phối hợp thị trường với các đơn vị thành viên VICEM, bảo vệ thị trường, giữ khách hàng, kênh phân phối của VICEM Hải Phòng khi có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị.
Về số hoá, đẩy mạnh số hoá phục vụ công tác bán hàng; hoàn thiện AppMobile; chạy chính thức hệ thống xuất hàng không dừng đối với phương tiện đường bộ tại Tràng Kênh - Hải Phòng. Đa dạng hoạt động thương hiệu qua các chương trình marketing quảng bá, nhận diện thương hiệu xi măng VICEM Hải Phòng…
Về sản xuất, tiếp tục tìm biện pháp nâng năng suất lò nung và nâng chất lượng clinker, nhằm giảm tiêu hao điện, than và tăng tỷ lệ phụ gia. Cân đối clinker, xi măng sản xuất và tiêu thụ.
Hoàn thiện các thủ tục mua sắm nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất năm 2023. Tổ chức đấu thầu lại gói thầu lắp đặt hệ thống Nox. Tiếp tục thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tận dụng nhiệt khí thải tại Sở Công Thương. Thực hiện các thủ tục để điều chỉnh, bổ sung diện tích đất mỏ sét núi Na vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của thị xã Quảng Yên…
Năm 2023, VICEM Hải Phòng đặt mục tiêu sản xuất 1.323.250 tấn clinker; 3.050.000 tấn xi măng; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 3.060.000 tấn, trong đó xi măng là 3.050.000 tấn; doanh thu và thu nhập khác đạt 3.330.249 triệu đồng; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 70.617 triệu đồng. |
Thảo Ngọc
Theo