(Xây dựng) - Vỉa hè thì lôm côm, trồi sụt, nham nhở như mảnh ruộng cày dở, nhiều đoạn được người dân tự cải tạo thì thiếu đồng bộ, lộ cộ các loại gạch lát vỉa hè khác nhau. Đó là bức tranh tương phản của đường Lê Hồng Phong - tuyến đường được ví von đẹp nhất Hải Phòng dài hơn 5km của Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi.
Vỉa hè tuyến đường đẹp nhất Hải Phòng lôm côm, trồi sụt, nham nhở như mảnh ruộng cày dở. |
Năm 2004, sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường Lê Hồng Phong (dài 5,29km, mặt cắt rộng 64,4m) chạy dọc hai quận Ngô Quyền và Hải An là xương sống của Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi, kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng với sân bay Cát Bi, trở thành điểm nhấn đô thị của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 20 năm, chỉ dải phân cách ở giữa con đường và lòng đường được quan tâm cải tạo, còn hai bên vỉa hè tuyến đường này thì xuống cấp trầm trọng, trở nên xấu xí và nhếch nhác.
Chỉ dải phân cách ở giữa con đường và lòng đường được quan tâm cải tạo, còn hai bên vỉa hè tuyến đường này thì xuống cấp trầm trọng. |
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Hiện tại, vỉa hè và lòng đường Lê Hồng Phong đang cao bằng nhau. Toàn bộ phần vỉa hè bị xuống cấp nghiêm trọng, bong bật, trồi sụt, lồi lõm. Chỉ những đoạn vỉa hè trước mỗi công trình nhà dân mới được cải tạo tùy hứng theo ý thích của gia chủ, tạo nên những đoạn hè hoa gấm, thiếu đồng bộ cả về màu sắc, loại gạch và độ cao.
Anh Nguyễn Văn H – người dân phường Đông Khê, quận Ngô Quyền bức xúc: Đường thì đẹp nhưng vỉa hè chẳng khác nào bức tranh bị lỗi, đất đá lổn nhổn, rễ cây tung hoành ngang dọc trên vỉa hè cả chục năm nay rồi. Nhà tôi gần đây, muốn đi bộ phải đi xuống lòng đường, chứ đi bộ trên vỉa hè không cẩn thận vấp ngã ngay. Chưa kể một số chỗ còn trở thành nơi tập kết rác thải hoặc bị lấn chiếm bán hàng rất mất mỹ quan đô thị.
Đoạn vỉa hè đường Lê Hồng Phong từ đầu đường Lê Lợi đến trước cửa ngân hàng BIDV đất đá lổn nhổn, rễ cây thì mọc ngược lên mặt đất, nằm chềnh ềnh trên vỉa hè như những con rắn khổng lồ. Gạch lát vỉa thì xộc xệch, lồi lõm. Có lẽ, thửa ruộng cày để ải còn nề nếp, quy củ hơn vì hàng ra hàng, lối ra lối. Tiếp đó, là những đoạn vỉa hè trước cửa các công trình của chủ đầu tư thứ cấp được cải tạo với các loại gạch lát vỉa khác nhau như hoa gấm.
Chỉ những đoạn vỉa hè trước mỗi công trình nhà dân mới được cải tạo tùy hứng theo ý thích của gia chủ, tạo nên những đoạn hè hoa gấm, thiếu đồng bộ cả về màu sắc, loại gạch và độ cao. |
Nhìn tổng thể toàn tuyến thì chỗ nào chủ đầu tư thứ cấp về xây dựng nhà ở hoặc công trình thương mại, tự khắc đoạn vỉa hè đó được cải tạo, sửa chữa lát gạch block hoặc đá xanh hoặc đá granit… đủ màu sắc; chỗ nào chưa có công trình xây dựng thì vỉa hè bị bỏ mặc cho xuống cấp. Người dân Hải Phòng ví von vỉa hè đường Lê Hồng Phong giống như một dải lụa được nhuộm tùy hứng, chỗ xanh, chỗ đỏ, chỗ thì mục nát, nham nhở.
Trao đổi với ông Vũ Phi Tùng - Chủ tịch UBND phường Đông Khê về việc tại sao người dân lát gạch vỉa hè lộ cộ như thế? Ông Tùng cho biết: Việc cải tạo vỉa của các hộ dân phường đều kiểm tra. Các trường hợp cải tạo vỉa hè đều có giấy phép xây dựng của Sở Giao thông vận tải và họ làm đúng theo giấy phép. Nếu có trường hợp không có giấy phép, phường sẽ lập biên bản và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật ngay.
Nói về trách nhiệm quản lý vỉa hè tuyến đường Lê Hồng Phong, ông Đỗ Ngọc Ân - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư phát triển đô thị, đại diện chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi cho biết: “Công ty chúng tôi đầu tư xây dựng xong tuyến đường này và bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý từ năm 2004. Vỉa hè đường Lê Hồng Phong công ty cũng đã bàn giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý từ năm ấy. Khi bàn giao, gạch lát vỉa hè là gạch xi măng, đã 20 năm rồi, không được đầu tư cải tạo, nó hỏng là khó tránh khỏi”.
Làm việc với ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng Hạ tầng Sở Giao thông vận tải Hải Phòng được biết: Từ khi nhận bàn giao đến nay, hai bên vỉa hè chưa một lần được đầu tư sửa chữa, cải tạo nên khó tránh việc xuống cấp. Đối với các đoạn vỉa hè được lát các loại đá khác nhau thì đa số đều được Sở Giao thông vận tải cấp phép.
Khi phóng viên hỏi: “Thưa ông, tại sao được cấp phép mà lại chỗ lát gạch block, chỗ lát gạch granit, chỗ lại đá xanh… thiếu đồng bộ?” Ông Bình cho biết: “Thành phố không quy định tuyến đường này phải lát gạch vỉa hè như thế nào nên khi người dân họ xin phép thì miễn là họ làm đẹp hơn là cấp phép thôi”.
Ông Bình cho biết thêm, hiện Sở Giao thông vận tải đang trình thành phố Hải Phòng phê duyệt quy định chung về việc làm vỉa hè sao cho đồng đồng bộ.
Còn ông Hoàng Triệu Hùng – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cho biết: Thành phố đã có kế hoạch cải tạo vỉa hè một số tuyến phố trung tâm và vỉa hè đường Lê Hồng Phong nhưng hiện còn đang chờ bố trí vốn.
Hải Phòng là đô thị loại I, tiến tới sẽ trở thành đô thị đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Hải Phòng cần sớm có kế hoạch cải tạo không chỉ vỉa hè đường Lê Hồng Phong mà cải tạo tất cả các vỉa hè đã xuống cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, Hải Phòng cần sớm ban hành quy định cụ thể để vỉa hè các tuyến đường được cải tạo một cách đồng bộ, nhất quán, tạo nên vẻ đẹp của một đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống.
Đại Vũ
Theo