(Xây dựng) - Trong bối cảnh ngành Năng lượng toàn cầu chứng kiến sự chuyển dịch nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã và đang nổi lên như một giải pháp chiến lược quan trọng. Với khả năng giúp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ổn định, LNG đang trở thành sự lựa chọn ưu tiên tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Với tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của thị trường LNG, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để khai thác lợi thế trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển ngành LNG tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mà còn đòi hỏi những chiến lược hợp tác quốc tế bài bản, sự cập nhật nhanh chóng xu hướng thị trường và đề xuất các chính sách tiên tiến nhất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, ngày 18/12, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và Vị thế của Việt Nam.
ThS. Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, hiện tổng công suất LNG hóa lỏng toàn cầu đạt khoảng 482,5 MT với tỷ lệ vận hành trung bình của các nhà máy là 88,7% trong năm 2023. Mỹ là quốc gia có công suất hóa lỏng lớn nhất, khoảng 91,4 triệu tấn mỗi năm (MTPA), tiếp theo là Australia với công suất 87,6 MTPA và Qatar với 77,1 MTPA.
Bên cạnh các nhà máy đang vận hành, trong năm 2023, toàn thế giới có khoảng 58,8 MTPA được chấp thuận đầu tư hoặc đang triển khai đầu tư và khoảng 1.046 MTPA tiềm năng đang thực hiện đánh giá tiền khả thi.
Năm 2023, Việt Nam chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới. Với địa lý thuận lợi, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống cảng biển hiện đại, gần các trung tâm LNG lớn của Đông Nam Á, cùng với sự cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, Việt Nam đang được biết đến là một nhà nhập khẩu tiềm năng và tương lai sẽ là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng
Một góc kho cảng Thị Vải. |
Do mới phát triển nên lượng tiêu thụ LNG của Việt Nam còn thấp. Năm 2023, tổng sản lượng nhập khẩu đạt xấp xỉ 0,1 MT, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, với vai trò là nguồn năng lượng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng. Dự báo, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ khoảng từ 15-20 MTPA vào năm 2030 và khoảng từ 20-25 MTPA vào năm 2035. Vì vậy, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng LNG tại Việt Nam, gia tăng vị thế trong chuỗi LNG toàn cầu cũng là nhu cầu phát triển tất yếu.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng LNG, đánh dấu vai trò mới trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu. Kho cảng LNG Thị Vải, một trong những dự án tiên phong, đã đi vào vận hành với công suất giai đoạn đầu đạt 1 MTPA và dự kiến mở rộng lên 3 MTPA, trở thành hình mẫu cho các cơ sở tương lai.
Ngành LNG tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn tồn tại nhiều thách thức, hạn chế. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Bên cạnh việc Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đầu tư và phát triển ngành Dầu khí, có định hướng phát triển theo từng thời kỳ, nhu cầu sử dụng các sản phẩm khí xanh, sạch ngày càng cao, thì các cơ chế, chính sách mới đang được hoàn thiện; giá điện LNG cao hơn so với giá các nguồn điện truyền thống dẫn đến khó cạnh tranh; chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp và có bản quyền, thị trường toàn cầu biến động.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu Viện Dầu khí Việt Nam đã phân tích về tình hình gia hạn hợp đồng LNG cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hợp đồng ký kết trực tiếp với nhà sản xuất trên thế giới và giới thiệu công cụ về xác định hiện trạng, xu hướng trung hạn của các hợp đồng nhập khẩu của thị trường LNG toàn cầu và Đông Nam Á. Căn cứ cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách hay các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc đưa ra các chính sách và quyết định đầu tư.
Theo báo cáo của Goldman Sachs Hoa Kỳ, nguồn cung khí đốt LNG toàn cầu sẽ tăng 80% vào năm 2030, nhờ các dự án mới ở Qatar và Bắc Hoa Kỳ.
IEEFA dự báo sản lượng LNG toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 474 Mtpa vào đầu năm 2024 lên 666,5 Mtpa vào cuối năm 2028. Phần lớn sản lượng LNG mới hoàn thành vào năm 2028 sẽ tập trung ở Hoa Kỳ và Qatar, điều này sẽ đẩy Australia là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm 2021 và 2022, xuống vị trí thứ ba với một khoảng cách xa trong số các nhà cung cấp LNG toàn cầu. Trong khi đó, công suất LNG bổ sung đáng kể đang bị hạn chế xây dựng ở CHLB Nga, Canada và các nước châu Phi.
Các tham luận được trình bày tại Diễn đàn đánh giá: Tổng quan thị trường LNG thế giới và khả năng tham gia thị trường của Việt Nam; Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng LNG: Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển LNG tại Việt Nam; Thực trạng ngành Khí và tiềm năng phát triển ngành Công nghiệp LNG tại Việt Nam; Hiện trạng và xu hướng trung hạn của Thị trường LNG toàn cầu và Đông Nam Á’; Những thách thức trong phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030.
Với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, đại diện cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, diễn đàn đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, đề xuất các mô hình hợp tác và khai phá các cơ hội đầu tư nhằm phát triển bền vững ngành LNG tại Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cả nước sẽ xây dựng 6 kho cảng LNG với tổng chi phí hơn 10 tỷ USD. Điều này giúp Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch như: Than đá, điện năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời…) đồng thời giảm lượng khí thải, gắn liền phát triển bền vững với bảo vệ môi trường. |
Lê Mỹ
Theo