Cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa về thăm lại Bến K15 lịch sử Ðây là nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển với "Ðoàn tàu không số" đã trở thành huyền thoại trong trang sử vàng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trở lại bến K15 hay ki-lô-mét số không (Ðồ Sơn, Hải Phòng) cùng 40 cán bộ, chiến sĩ của Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, thượng tá Nguyễn Văn Lừng, người chiến sĩ của Ðoàn tàu không số năm xưa không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của chiến trường xưa. Trong những năm chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió này từng bị bom đạn cày xéo, giờ đây đang là khu đô thị du lịch phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Nơi đây vẫn gìn giữ được những di tích lịch sử quý giá gắn với những năm tháng quân ngũ của họ, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng nói chung và lực lượng Hải quân Việt Nam nói riêng. Ông run run xúc động ôn lại những kỷ niệm, những năm tháng hào hùng và cùng nhau thắp những nén hương thơm, thả những bông hoa tươi xuống biển để tưởng nhớ những con tàu, những cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn tàu không số đã hy sinh trên biển, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, cho sự trường tồn của dân tộc và cách mạng Việt Nam. Mọi người đến với Ðồ Sơn đều cảm nhận về một bán đảo thơ mộng giữa hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc, với biển trời, mây nước, núi đồi và rừng cây uốn lượn dài ra phía biển giống hình con rồng đang chầu về viên ngọc là đảo Hòn Dáu. Mùa hè, các bãi tắm Ðồ Sơn chật kín du khách. Khách du lịch đến Ðồ Sơn không chỉ tắm biển, thưởng ngoạn không khí trong lành với các đồi thông xanh mướt, mà còn đi thăm các di tích lịch sử-văn hóa như đình Ngọc, suối Rồng, tháp Tường Long, đền Bà Ðế... Trong đó, tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh Ngọc Sơn dưới thời vua Lý Thánh Tông (1058)- một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà vua ở miền đông bắc Tổ quốc. Trong những năm qua, cùng với Cát Bà, Ðồ Sơn được xác định là một trọng điểm phát triển của ngành công nghiệp không khói thành phố cảng. Hiện hoạt động du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng 65% trong GDP của Ðồ Sơn. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn lên tới hơn 300 tỷ đồng/năm. Và cũng hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn được huy động cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đã góp sức cho đô thị du lịch Ðồ Sơn ngày càng khang trang, hiện đại, vừa góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt nhân dân, vừa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Ðồ Sơn là nơi ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Bến Nghiêng- nơi tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng xuống tàu về nước, miền bắc hoàn toàn giải phóng. Ðảo Hòn Dáu với truyền thuyết về thần Nam Hải Ðại Vương linh thiêng và rừng đa nguyên sinh lâu đời. Trên đảo có ngọn hải đăng 125 năm tuổi (được xây dựng từ năm 1884) cao 67 m, chiếu sáng 24 hải lý luôn cháy sáng, kể cả trong chiến tranh khốc liệt, làm nhiệm vụ dẫn đường cho các tàu biển đi lại và ra vào cảng Hải Phòng. Những năm đầu ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, nhiều người dân vùng Vạn Sơn, Vạn Hoa và các vạn chài lân cận đã vui vẻ dời nhà đi nơi khác để dành địa điểm cho bộ đội đóng quân với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt. Bản thân họ khi đó cũng không biết rằng mình đã góp một phần cho chiến dịch thầm lặng nhưng hết sức quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Nơi ở, nơi neo đậu thuyền sinh sống của gia đình họ đã trở thành điểm xuất phát của "Ðoàn tàu không số", điểm đầu tiên của tuyến đường huyền thoại, Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang mật danh Phương Ðông 1 do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời bến K15 trước sự quan tâm, chứng kiến và tràn đầy tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Chính phủ và các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm ngày sau, ngày 15-10-1962, tàu Phương Ðông 1 chở 30 tấn vũ khí đạn dược đã vào cửa biển Bồ Ðề cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp ngay sau đó, từ bến K15 Ðồ Sơn, 88 chuyến hàng trên các con tàu không số lặng lẽ âm thầm vượt qua hàng nghìn hải lý sóng gió, mưa bão và hàng rào phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến của địch, chuyển 4.919 tấn vũ khí, đạn dược và một số mặt hàng thiết yếu chi viện cho chiến trường miền nam, trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Ðông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, góp sức làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ở Ấp Bắc, Bình Giã, Ðồng Xoài... Giờ đây, bến tàu không số với cầu tàu dài 30m trên biển vẫn còn đó, như minh chứng cho lịch sử tuyến đường huyền thoại. Ngay trên thung lũng Xanh giờ trở thành khu vui chơi giải trí hiện đại, một biểu tượng hình cánh buồm ghi lại những chiến công, những thành tích vẻ vang của Ðoàn 125 Hải quân- đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận nơi đây là Di tích lịch sử Quốc gia. Giờ đây, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng, quận Ðồ Sơn và Quân chủng Hải quân tiếp tục chăm lo, gìn giữ, tu tạo các di tích lịch sử, văn hóa. TP Hải Phòng và Ðồ Sơn cũng tập trung sức xây dựng Ðồ Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, để nơi đây vẫn vang mãi khúc ca hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, phục vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngô Quang Dũng (ND)
Theo baoxaydung.com.vn