(Xây dựng) - Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển và 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển và Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và Đan Mạch năm 2024. Sự kiện diễn ra từ ngày 4 - 12/9/2024, nhằm quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với hai quốc gia Bắc Âu.
Các nghệ sỹ biểu diễn tác phẩm “Lý Ngựa ô”. |
Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đã tham dự và tổ chức chuỗi chương trình bao gồm: Chương trình hòa nhạc hữu nghị nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển tại Stockholm (Thụy Điển), chương trình nghệ thuật giao lưu giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Malmo tại Malmo (Thụy Điển), Ngày Văn hóa Việt Nam tại Đan Mạch và triển lãm "Sắc màu Văn hóa Việt Nam". Bên cạnh đó, đoàn Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc song phương với Bộ Văn hóa Thụy Điển, Bộ Văn hóa Đan Mạch và Học viện Âm nhạc Malmo.
Chương trình hòa nhạc hữu nghị trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển diễn ra tại Nhà hát Musikaliska Kvarteret (Stockholm) ngày 6/9/2024 giới thiệu những tài năng âm nhạc đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong đó, có các nghệ sỹ từng được học tập, đào tạo tại Bắc Âu hoặc đã thực hiện nhiều dự án hợp tác giao lưu âm nhạc Việt Nam - Thụy Điển.
Chương trình kết hợp hài hòa giữa nhạc truyền thống, nhạc jazz và cổ điển, làm nổi bật bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và mang đến một chương trình đặc sắc, ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Bên cạnh đó, chương trình còn có các tiết mục giao lưu của các nghệ sỹ Thụy Điển nổi tiếng, qua đó khẳng định văn hóa, nghệ thuật là cầu nối giữa nhân dân hai nước.
Nghệ sỹ Saxophone Lê Duy Mạnh chia sẻ về chuyến lưu diễn: Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và Đan Mạch đã rất thành công khi giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa thông qua các hoạt động làm việc song phương, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu học thuật, triển lãm nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Thụy Điển và Đan Mạch, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước.
“Chúng tôi thực sự thăng hoa khi được biểu diễn tại những nơi đặc biệt danh giá như: Nhà hát Musikaliska Kvarteret thủ đô Stockholm (Thuỵ Điển), Học viện Malmo (Thuỵ Điển), Sølyst, Klampenborg - Copenhaghen (Đan Mạch). Là một nghệ sỹ được thực hiện trọng trách là truyền bá văn hóa nên tôi cảm thấy rất vinh dự và luôn tự nhủ, sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi được giao.
Jazz vốn rất kén khán giả. Thời gian tới, tôi sẽ khai thác kỹ âm nhạc của 3 miền, cụ thể như dòng nhạc dân gian và cố gắng tìm thấy hết các khả năng kết hợp của nó trong nhạc jazz, bởi âm nhạc dân gian, xét cho cùng, chính là “đáy sâu” trong tâm hồn của mỗi quốc gia dân tộc. Nó là nền tảng để con người sáng tạo có thể nói với thế giới những câu chuyện đương đại của mình” - Nghệ sỹ Saxophone Lê Duy Mạnh chia sẻ.
Các đại biểu và nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm. |
Ngoài ra, Nghệ sỹ Saxophone Lê Duy Mạnh còn cho biết: “Nhạc jazz trên nền âm nhạc truyền thống trở nên gần gũi, mang hơi thở đương đại hơn còn âm nhạc truyền thống, cũng mới mẻ hơn, nhiều sắc màu hơn khi kết hợp. Rõ ràng, jazz Việt đang có những khai mở mới trên con đường tiếp cận công chúng, định hình rõ nét hơn nữa vị thế của mình.
Cụ thể trong chuyến lưu diễn vừa rồi, tôi có biểu diễn tác phẩm “Lý Ngựa ô” do tôi chuyển soạn sang phong cách nhạc jazz kết hợp cùng Nghệ sỹ đàn bầu Ngô Trà My và nghệ sỹ guitar Lương Xuân Thịnh; “Chiếc Khăn Piêu” cùng dàn nhạc dân tộc HVANQG Việt Nam; Tác phẩm Vem kan segla - dân ca Thuỵ Điển (biểu diễn cùng các thầy giáo, nghệ sỹ Học viện Âm nhạc Malmo; Thank You For The Music…
Tôi thấy khi kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam với nhạc jazz mang lại cảm xúc đặc biệt rất khác cho khán giả nước ngoài thưởng thức, họ đã lắng nghe say mê và còn rất tò mò muốn biết, muốn tìm hiểu về sự kết hợp đặc biệt nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây”.
Tuệ Minh
Theo