Thứ tư 16/10/2024 11:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp

23:07 | 06/09/2024

(Xây dựng) - Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, với nỗ lực của các đơn vị trực thuộc, công tác chuyển đổi số ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được áp dụng mạnh mẽ vào công tác chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Chuyển đổi số ngành, lĩnh vực xây dựng ngày càng có những bước tiến mạnh để hòa nhập vào xu thế chung của chuyển đổi số quốc gia.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị chuyển đổi số ngành Xây dựng mới đây cho thấy, chỉ số cải cách hành chính 2023 (Parindex 2023) của Bộ xếp hạng thứ 7/17 khối các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng xếp hạng thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp Bộ, tỉnh năm 2022 (DTI 2022), Bộ Xây dựng tăng hạng mạnh nhất so với năm 2021 (tăng 5 bậc), xếp hạng thứ 12 ở khối các Bộ có dịch vụ công thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và bắt đầu vào cuộc hành động để cải thiện chỉ số nhận thức và chỉ số nhân lực.

Trên các lĩnh vực quản lý, công tác chuyển đổi số cũng đã được lồng ghép, đẩy mạnh triển khai như: Hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhằm tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh như xây dựng bộ tiêu chí đô thị thông minh. Hay tham gia các hoạt động Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN); hợp tác quốc tế để triển khai định hướng phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm quản lý phát triển đô thị.

Triển khai nghiên cứu thành lập Cổng thông tin giám sát trực tuyến về chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch của hệ thống cấp nước (lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật); nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm cung cấp các thông tin, số liệu thống kê về nhà ở, dự án bất động sản và tình hình giao dịch bất động sản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành (lĩnh vực quản lý nhà ở và thị trường bất động sản).

Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng (lĩnh vực kinh tế xây dựng). Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức và chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân (lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng).

Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về tổ chức kiểm định, các thiết bị được kiểm định và kiểm định viên về kỹ thuật an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng, quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (lĩnh vực giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng). Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, kho dữ liệu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng (lĩnh vực quản lý vật liệu xây dựng)…

Có thể thấy rằng, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực xây dựng ngày càng có những bước tiến mạnh để hòa nhập vào xu thế chung của chuyển đổi số quốc gia. Bắt kịp các mục tiêu đề ra của Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu về các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam.

Doanh nghiệp xây dựng ứng dụng công nghệ vào từ khâu thiết kế tới thi công

Theo khảo sát tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai và áp dụng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp - quản trị doanh nghiệp (ERP) và BIM từ nhiều năm trước.

Các doanh nghiệp xây dựng đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào từ khâu thiết kế tới thi công để điều phối và quản lý, kiểm soát, giúp giảm đáng kể những sai sót trong quá trình hoàn thiện công trình xây dựng. Từ đó chất lượng công trình được kiểm soát tốt, tăng hiệu quả trong quản lý ngân sách dự án, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Đáp ứng xu thế tất yếu, các doanh nghiệp trong ngành hiện đang hướng tới các giải pháp xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn bền vững với môi trường như sử dụng vật liệu bền vững thân thiện với môi trường, kiến trúc bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn Lotus, Leed, Breeam.

Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Trên công trường xây dựng, các doanh nghiệp đã triển khai sử dụng các máy, thiết bị đầm nén thông minh, các hệ thống định vị hiện trường hay máy quét laser, thiết bị bay drones. (Ảnh minh họa)

Trong khâu thiết kế, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các phần mềm thiết kế trên máy tính (CAD), phần mềm xây dựng (CS) hay công nghệ in 3D. Điển hình là phần mềm BIM giúp tạo ra các mô hình 3D chi tiết hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành. Trên công trường xây dựng, các doanh nghiệp đã triển khai sử dụng các máy, thiết bị đầm nén thông minh, các hệ thống định vị hiện trường hay máy quét laser, thiết bị bay drones.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành đã sử dụng các kỹ thuật và công nghệ số như thiết bị đo đạc số, máy quay phim chụp ảnh, quan trắc di động cầm tay nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn. Các thiết bị quét laser, đo laser có khoảng cách giúp công nhân tại hiện trường có thể dễ dàng thu thập được những số liệu cơ bản cho xây dựng mà không gây rủi ro, nguy hiểm cho tính mạng. Việc sử dụng kỹ thuật này giúp các doanh nghiệp trong ngành thực hiện tốt những quy định về an toàn lao động, giảm thiểu tai nạn, rủi ro đến tính mạng người lao động.

Để có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với khách hàng, các doanh nghiệp đã triển khai công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) hay thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR) nhằm trực quan hóa các thiết kế, cho phép cả doanh nghiệp lẫn khách hàng trải nghiệm không gian, nhanh chóng giúp khách hàng từ xa hình dung được không gian làm việc của họ trong tương lai sẽ như thế nào, hay có thể kiểm tra tiến độ công việc hiện hành ra sao.

Ngoài ra, các tòa nhà công trình xây dựng hiện đại đã được sử dụng các công cụ, thiết bị thông minh nhằm bảo trì dự đoán bằng các cảm biến IoT giám sát hiệu suất thiết bị, dự đoán nhu cầu bảo trì, giúp ngăn ngừa lãng phí năng lượng và kéo dài tuổi thọ cho công trình. Tùy thuộc vào mỗi nhu cầu của doanh nghiệp mà lựa chọn các công nghệ, giải pháp phù họp để phát triển.

Có thể thấy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng là tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và giải quyết các vấn đề về quản lý.

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load