Thứ hai 13/01/2025 10:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Tuyên Quang: “Loạn” khai thác Quặng Barit ở xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn

20:05 | 17/01/2014

Suốt mấy tháng qua, hàng loạt các quả đồi của các thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn đã bị băm nát trước sự thờ ờ của các cơ quan chức năng. Theo anh Tiến, một người dân địa phương tố giác, sau khi phát hiện ra loại quặng Barit có khả năng bán được cho một số đầu nậu mua gom ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để các đối tượng này sản xuất và mang bán tiếp thì nạn khai thác ở đây càng táo tợn hơn. Ngang nhiên và thách thức pháp luật. Điều lạ, việc khai thác mỏ này không phải là “con kiến” mà không ai biết, vậy tại sao chính quyền xã Tứ Quận và lãnh đạo UBND huyện Yên Sơn lại không biết? Xe quặng chạy “long nhông” ra đường vẫn “vù vù” qua mặt lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Vậy “đồng chí” nào bảo kê cho xe quặng ? Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang phải làm rõ đường dây “quặng tặc” ở đây.


Ngang nhiên khai thác quặng Barit ở xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang mà các cơ quan chức năng ở đây vô cảm.

Đại công trường “ăn cắp”

Sau khi qua khỏi TP Tuyên Quang được chừng hơn chục km, đến km13 đường Tuyên Quang – Hà Giang, chúng tôi rẽ vào thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận. Từ ngoài quốc lộ 2 và chưa đầy 600 m, một đại công trường ngang nhiên mọc lên, ăn cắp công khai, thách thức pháp luật. Anh Tiến, một người dân địa phương tố cáo, nạn khai thác lậu này xảy ra đã được khoảng 3 tháng nay.


Máy xúc bò lên đỉnh đồi, ngang nhiên khai thác mà chính quyền địa phương không hay biết.

“Mục sở thị” đại công trường này, chúng tôi thấy hàng loạt các quả đồi đang được người dân trồng chè, trồng sắn bị dỡ bỏ. Máy xúc ngang nhiên trèo lên xúc quặng, lọc đất bằng dàn sàng bừa bãi, ngang nhiên lộ thiên chả kém gì các công trường khai mỏ khác của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Con đường làng vốn dĩ “ốm yếu” ngày ngày phải oằn mình chịu hàng trăm lượt xe ô tô tải trong hàng chục tấn chạy rầm rập qua lại, thách thức pháp luật.

Trong một buổi chiều ghi hình tại đây, chúng tôi quan sát thấy các dàn tuyển quặng đều ngang nhiên, máy xúc thỏa mái múc. Bà Nguyễn Thị H, một người dân sống tại đây kể: những đối tượng khai thác ở đây toàn thành phần có “máu mặt” cả. Đám này mặc nhiên mang gần 30 cái máy xúc và ô tô vào đây là có sự “bật đèn xanh” của “ông anh” nào đó nên thỏa sức lộng hành.


Hết tấn quặng này đến tấn quặng khác được xúc đi bán

Qua điều tra, chúng tôi được biết: nhóm ăn cắp tài nguyên khoáng sản của nhà nước này là có sự thông đồng. Nhóm khai thác và vận chuyển quặng Barit đi bán sẽ có sự ăn chia thỏa thuận như sau: Mỗi xe quặng Barit chạy thoát, trót lọt phải chia chác đến một nửa lợi nhuận cho một người đàn bà có tên là Sỹ(chồng chết), nhà ở TP Tuyên Quang. Lần giở theo các đầu mối, phóng viên có gọi điện thoại đến cho người phụ nữ này để làm rõ các tố cáo. Tuy nhiên sau một hồi trao đổi, người phụ nữ này lấy lý do bận và tắt máy. Sau đó, nạn khai thác này tạm dừng rồi lại đâu vào đấy, thách thức pháp luật.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

 Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết nạn khai thác quặng Barit không chỉ xảy ra ở riêng xã Tứ Quận, thực tế nạn “trộm cắp” này còn ngang nhiên diễn ra ở các xã khác như khu vực xã Công Đa. Ngay sát đường liên xã nối Công Đa với xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) là điểm mỏ trái phép thứ nhất. Chủ mỏ là ông Trung - người trong thôn và một số đối tượng khác đã hoạt động được hơn 3 tháng nay. Điểm mỏ này trên một quả đồi rộng cả ngàn mét vuông bị san phẳng. Để thuận lợi cho việc khai thác, các đối tượng này đã thuê nhiều công nhân và lập luôn lán trại tại bãi quặng để mở rộng khu vực khai thác. Họ đã dùng máy cuốc, san gạt mở một con đường đủ cho xe ô-tô đi lên đỉnh núi, đi đến đâu có quặng thì thu nhặt tập kết dọc tuyến đi. Những cây keo có đường kính 12-15cm cũng bị đốn hạ để phục vụ việc khai thác quặng. 

Điểm quặng thứ hai chỉ cách đó chưa đầy 1km, cũng trên địa bàn thôn Bảy Mẫu, xã Công Đa. Người dân ở đây cho biết, điểm mỏ này do một một đối tượng từ nơi khác đến mua và khai thác được 3 tháng nay, bình thường ở đó có 4-5 người dân địa phương được chủ thuê nhặt tuyển quặng. Để khai thác quặng, các đối tượng này dùng máy cuốc đưa đất quặng lên máng sàng, sau đó quặng tiếp tục được đưa sang máy rung để loại bỏ đất, cuối cùng công nhân sẽ nhặt loại bỏ đá, những viên quặng hàm lượng quá thấp. Hiện tại vẫn còn một khối lượng lớn quặng chưa được chuyển đi. 

Bà chủ đất Phạm Thị Hà cho biết: 5 tháng trước, gia đình bà bán đất cho người có tên Lĩnh, trú ở thị trấn Sơn Dương. Theo thỏa thuận, diện tích gia đình bà bán là gần 1ha với giá 100 triệu đồng, sau khi khai thác xong họ sẽ trả lại mặt bằng cho gia đình bà. Các đối tượng trên chỉ mới khai thác được 3 tháng trở lại đây, ước lượng khoảng 300 - 400m3 quặng. Khai thác đến đâu thì họ chuyển đi đến đó. Hiện nay các đối tượng này thu mua với giá khoảng 800.000 đồng/m3 quặng.

Lần theo các đầu mối “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, chúng tôi được biết những kẻ cắp trên mang về cho 2 “ông trùm” tên là Hòa và Toàn ở huyện Sơn Dương. Để rồi với một loạt “ma thuật” khác, hàng nghìn tấn quặng barit đã trở thành hợp thức và bán số lượng hàng này cho một Tập đoàn khai thác khác, chính thức “tẩy sạch” những nhơ bẩn do ăn cắp mang lại…

Rông đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với văn phòng của UBND huyện Yên Sơn để đề nghị làm rõ trách nhiệm, vai trò quản lý cấp nhà nước trong việc để xảy ra nạn khai thác khoáng sản lậu. Đặc biệt là trách nhiệm của ông Hà Minh Quang, chủ tịch UBND huyện Yên Sơn trong việc quản lý địa bàn huyện. Có hay không việc “ăn dơ, câu kết” để rồi “máu” khoáng sản cứ ngày ngày chảy vào tư túi cá nhân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…

Đà Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load